Văn hóa giao tiếp, ứng xử hiện đại hôm nay với ranh giới ảo - thật, cuộc sống bên ngoài và trên mạng thay đổi ra sao, có gì tích cực và tiêu cực?
Chúng ta phải ra sao khi xã hội số đến với chúng ta, với những điều mới mẻ chưa từng có, với những hành xử lạ lẫm, có cả thú vị và có cả bực lòng?
Bàn tròn này hy vọng gửi gắm đôi điều sâu lắng với bạn đọc nhân dịp đầu xuân.
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhân loại mà ở đó có những thay đổi nhiều khi vượt quá khả năng tưởng tượng của mỗi người, và kinh nghiệm mà chúng ta có từ trước không giúp ích nhiều trong việc dự đoán, đưa ra những giải pháp cho những vấn đề văn hóa - xã hội.
Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều vấn đề phát sinh từ xã hội số. Dường như tất cả cuộc sống thật đã di chuyển lên mạng, và thậm chí giờ đây người ta sử dụng nhiều thời gian và ham mê với mạng hơn đời thực.
Các đòi hỏi từ công nghệ đến nhu cầu, sở thích trên mạng đã phần nào đó quy định sự hình thành và phát triển của các loại hình giải trí.
Phim trên mạng không nhất thiết giống hệt phim chiếu rạp hay trên truyền hình; âm nhạc, mỹ thuật, quảng cáo hay bất kỳ loại hình hoạt động hay dịch vụ văn hóa nào cũng tương tự như vậy.
Việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh để trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội cũng khác so với đời thực. Blockchain, Big Data, IoT đang khiến việc sở hữu, thưởng thức, sáng tạo nghệ thuật có xu hướng mới.
Đây là những yếu tố cơ bản để chúng ta có thể lý giải rõ hơn về những biến động trong văn hóa - xã hội giai đoạn hiện nay.
Có một xu hướng rất quan trọng là dường như máy móc dần trở nên người hơn, và con người chúng ta giờ lại thao tác như máy móc hơn.
Điều này là do chúng ta tiếp xúc với máy móc nhiều quá, dành cho không gian riêng tư với máy móc, ít dành thời gian cho các quan hệ trực tiếp.
Khi tương tác xã hội ít, con người sẽ dễ rơi vào tình trạng cô đơn, dễ phát sinh những vấn đề tâm lý, bị máy tính và mạng xã hội thao túng.
Chúng ta cứ nhìn vào những hiện tượng như những trào lưu bắt chước meme, chơi kumathong, lễ hội Halloween, hay cách chúng ta say sưa với mạng xã hội, trở thành anh hùng bàn phím với những hiện tượng "tay nhanh hơn não"... thì thấy ứng xử của chúng ta thay đổi như thế nào.
Phương tiện mới dẫn đến thói quen mới, cả thói tật mới và lối sống mới. Đó là những gì chúng ta đang đối mặt và phải làm quen dần.
Có những thứ tưởng chừng là ảo nhưng hóa ra rất thực, như cách chúng ta ứng xử trên thế giới ảo chẳng hạn.
Hậu quả của những phản ứng của chúng ta ở trên mạng có thể dẫn đến trực tiếp những biến cố trong cuộc sống của chúng ta.
Chính vì vậy chúng ta chứng kiến nhiều người buồn vui cùng Facebook, thậm chí nhiều bài học đau lòng trong thế giới thực lại đến từ thế giới ảo. Giờ đây khó có thể gọi mạng Internet là thế giới ảo được nữa.
Giờ đây những gì có trong thế giới thực sẽ tồn tại trên thế giới ảo, và ngược lại. Nếu chúng ta không bao quát những vấn đề của luật pháp trên mạng, chúng ta sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong việc quản lý cuộc sống.
Khi chúng ta đã có Luật an ninh mạng, bộ quy tắc ứng xử trên mạng và khá nhiều các quy định khác nữa, nhưng hiện tượng lệch chuẩn, không phù hợp vẫn xảy ra khá thường xuyên, điều đó có nghĩa rằng có điều gì đó vẫn chưa ổn.
Nhận thức và thái độ của chúng ta về các hành vi trên mạng cũng phải tương thích với sự phát triển của công nghệ, để công nghệ phục vụ cuộc sống của chúng ta tốt hơn và đặc biệt là mang tính nhân văn nhiều hơn.
Quá trình "số hóa" diễn ra quá nhanh so với tốc độ thích nghi của con người đôi khi khiến chúng ta lo sợ. Nhưng "số hóa" là quy luật tất yếu.
Cá nhân hay doanh nghiệp đều cần thay đổi góc nhìn và văn hóa ứng xử để thích nghi với quy luật tất yếu này. Nhắc đến thời đại số là nhắc đến mạng xã hội - thứ mà người Việt Nam dành hàng giờ mỗi ngày để hoạt động trên đó.
Mạng xã hội không còn là nơi thuần giải trí hay cập nhật thông tin mà đó là nơi để làm việc, để kết nối và là "điểm chạm" quan trọng, tạo ra cơ hội học tập và trau dồi kiến thức cho mọi lứa tuổi trong mọi lĩnh vực.
Mỗi cá nhân đều có cơ hội tiếp cận nguồn kiến thức vô tận và được học từ những người giỏi nhất thế giới.
Trên mạng xã hội, mỗi cá nhân được tự do thể hiện con người, cá tính, được chia sẻ sở thích và giao lưu, tạo nên một cộng đồng gắn kết.
Và đó chỉ là số ít ví dụ để tôi nhấn mạnh giá trị thật mà mạng xã hội mang lại.
Nếu ví von thế giới ảo như một xã hội thì chúng ta cần xây dựng chuẩn mực sống cho xã hội đó.
Một khi đã chấp nhận quan điểm mạng xã hội là một phần của công việc thì không nên cấm sử dụng mạng xã hội trong giờ làm.
Tôi đánh giá chỉ trong vài năm tới, 50% đồng nghiệp của chúng tôi sẽ là gen Z. Thế hệ tôi đi làm, tôi chấp nhận mức lương rất thấp hoặc thậm chí không lương để lấy kinh nghiệm; genZ thì khác, các bạn muốn được trả lương xứng đáng với năng lực và vị trí làm việc.
Thế hệ tôi đi làm thường nỗ lực nhiều năm tại một công ty, còn gen Z coi "nhảy việc" để mở rộng kiến thức và mối quan hệ là chuyện bình thường.
Gen Z không coi công ty chỉ là chỗ đi làm mà đó là một phần cuộc sống của họ, nghĩa là các bạn muốn văn phòng đẹp, nhiều tiện nghi, nhiều hoạt động tập thể, tăng sự gắn kết.
Việc ứng xử giữa cấp trên - cấp dưới, với các đồng nghiệp lớn tuổi trong doanh nghiệp cần được nghiêm túc tôn trọng.
Thoải mái không đồng nghĩa với loạn ngôn. Đi làm trong môi trường chuyên nghiệp cần có những chuẩn mực tối thiểu.
Chưa kể có hiện tượng các bạn trẻ dùng một số kiến thức "chụp giật" mà mình tra được trên Google mà cho rằng mình đã biết cả thế giới.
Từ đó hạn chế học tập, thu hẹp hiểu biết và kỹ năng trong công việc.
Đây là lúc kỷ luật trong doanh nghiệp phát huy để duy trì ranh giới ảo - thật.
Giá trị của bạn, con người của bạn trên mạng xã hội đôi khi không phản ánh giá trị thật của bạn trong doanh nghiệp.
Nếu ví cuộc sống là cái bông vụ thì thời đại số là sợi dây đã rút quá nhanh.
Tôi thuộc thế hệ giao thoa, 8x đời cuối, lúc nào cũng nghĩ mình đã rất cập nhật và nhanh gọn so với thời cha mẹ mình lắm rồi, thế mà vẫn có những buổi sáng thức dậy thấy chơi vơi giữa những con số, các nền tảng trực tuyến đủ mọi ngành.
Chính vì thời đại số đã đẩy gấp nhịp sống của con người, con người dành thời gian cho nó ngày càng nhiều nên lẽ dĩ nhiên nó cũng có quyền năng thay đổi ứng xử văn hóa.
Sự thay đổi này, theo tôi, là xoay quanh thời gian. Thời đại số có điều tích cực nhất là ban cho chúng ta quyền rút ngắn thời gian cho một số thứ (nhưng sau đó đánh cắp thời gian của chúng ta cho nhiều thứ khác).
Cùng với đó, thời đại số cho phép người ta ẩn danh hoặc công khai xuyên tạc hay hủy hoại một ai đó, một tổ chức một cách dễ dàng hơn chỉ với đôi dòng viết vội.
Những hành động một người thực hiện bằng trang cá nhân này cũng được quy định luôn cho tính cách của họ. Một người "seen" tin nhắn của ta mà không "reply", ta xem đó là bất lịch sự và coi thường.
Một người gõ caplock khi comment, ta cho rằng họ đang tức giận. Nhiều người ngôn ngữ trên mạng linh hoạt hơn hẳn khi giao tiếp ở ngoài, nhiều kẻ miệng lưỡi "trời ơi đất hỡi" trên các Vlog nhưng khi chạm mặt đám đông lại rụt rè, nhút nhát.
Hiện nay chúng ta đang đi gần với việc "định danh" chuẩn xác một cá nhân trong thời đại số, tôi tin rằng trước sau gì cuộc sống online của một người cũng sẽ minh bạch như cuộc sống thật của họ.
Cõi mạng mênh mông này mỗi ngày có không biết bao nhiêu là "đám cháy". Phân biệt đâu là "cháy" lớn - nhỏ, thật - giả... cũng đã rất nhọc nhằn rồi, chúng ta rất cần thời gian để rút ngắn khoảng cách này.
Tôi có khoảng 50% dấu hiệu của một công dân tiềm năng nghiện mạng xã hội nên thời gian sống trên không gian ảo cũng chiếm một tỉ lệ tương ứng.
Vừa vì lý do công việc, vừa vì ưa thích, tôi hay la cà theo dõi các hot trend, rồi cũng chăm chỉ đọc các ý kiến tương tác rồi thử nhẩm tính tỉ lệ về giới tính, độ tuổi, xu hướng đồng thuận hoặc tấn công...
Không gian ảo cho tôi một hình dung khá thực tế về đời sống bên ngoài mà trong nhiều trường hợp không cần đến tương tác trực tiếp. Cách mọi người giao tiếp với nhau online giúp tôi có cơ hội đến gần hơn với con người ở góc nhìn tâm lý mà chưa cần những kết nối cụ thể.
Đây là nguồn cung rất tích cực cho "dữ liệu lớn" để tìm hiểu và phán đoán về quyết định - nhận thức thực tế của con người thông qua chính hành vi - giao tiếp của họ trên môi trường ảo.
Ngày nay khi comment giao đãi với nhau trên mạng xã hội, một người xa lạ có thể đáp lại một người xa lạ đang hết sức khó ở rằng "lại một thằng ngu ôm đúng rổ trứng f*c!" và kéo theo cả loạt các tương tác khác khi thì cộc lốc, xấc láo, khi lại đong vớt, an ủi hoặc ra điều tri thức, dạy đời.
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà một giáo viên dạy vật lý hoàn toàn có thể trở thành hot idol trên mạng với các bài giảng livestream mà đông đảo khán thính giả tham gia lại thường comment về nhan sắc - cơ thể - sự ngọt ngào của giọng nói - sự quyến rũ của đôi môi...
Rồi một giáo viên dạy toán có thể làm giàu nhờ bán các bài giảng của mình trên porn hub, còn việc quẹt Tinder đã tương đương với hành vi book Grab, vì vậy không nói lên điều gì về phẩm cách hay đạo đức nữa rồi.
Lấy ví dụ về giao tiếp giữa cô giáo và học sinh ngày nay đã rất khác với trước đây, nếu xét trên giao thức mạng xã hội.
Và ngược lại, các thầy cô không chỉ chấp nhận - tiếp nhận mà còn sử dụng văn hóa online rất điêu luyện, khiến cho sự giao tiếp trở nên gần gũi, thân tình và với nhiều em là "rất đáng eo, dễ thưn nên đổ luôn trong phút mốt".
Tất nhiên, nếu đã chiếm được tình cảm của nhóm đối tượng "sau quỷ, sau ma" này thì thầy cô sẽ được thăng cấp lên trong trái tim của học trò mình - sự thăng cấp có ý nghĩa như một tưởng thưởng cao quý mà bất cứ người thầy nào cũng trân trọng.
Tôi thích nói chuyện với mấy cô gội đầu và tạp vụ bán thời gian. Các bạn ấy rất đáng yêu, trưởng thành sớm do đòi hỏi của đời sống nhưng hồn nhiên, tươi mới.
Tình trạng chung của các cô gái này là... "ế chị ạ". Và thái độ của đội quân này là luôn vui tươi.
Thời gian thì không có, làm việc xong chỉ có thể ngủ rồi tiếp đến ngày làm việc mới, nghỉ ca thì rủ nhau lên phố đi bộ hoặc xem phim trên... các trang review mà bao nhiêu tinh hoa điện ảnh cũng chỉ gói gọn trong 9 - 10 phút tối đa.
Các cô thuộc làu những kênh TikTok đang hot, và nếu rỗi cũng hay tương tác "ủng hộ họ kiếm tí cơm".
Các cô thực ra cũng không quá khác với nhóm sinh viên hay các bạn trẻ yêu nghệ thuật, mê làm phát triển và văn hóa.
Tiếp xúc với họ, học hệ ngôn ngữ của họ, quen với văn hóa giao tiếp ở đâu cũng như ở trên mạng của họ nói cho cùng đã giúp tôi không bị quá lạc lõng.
Với câu chuyện về tình yêu, nhu cầu của các FA ngày nay rất khác với ngày xưa. Họ không dành quan tâm cho các mai mối đến từ gia đình và họ hàng, mà họ lại tin cậy vào ngón tay số phận khi lướt Tinder.
Chính từ đây, ưng ưng ai đó do ảnh, do hồ sơ, do giao tiếp vài câu, thế là bắt đầu tìm hiểu đời sống online của nhau.
Các cô có thể nhanh chóng kết luận anh này cute lắm, nói chuyện lễ phép cực; anh này hay đi còm dạo, toàn gạ linh tinh...
Sự lễ độ, chỉn chu ngữ pháp, đầy đủ kính ngữ ngày càng trở nên xa lạ trong các giao tiếp online, trừ những đối thoại giữa người bán hàng và "thượng đế" của họ.
Yếu tố tích cực nhất mà thời đại số mang lại cho văn hóa ứng xử của người trẻ là giúp họ học ứng xử bằng ngôn ngữ viết.
Ông bà dạy: "Học ăn học nói học gói học mở". Bây giờ giới trẻ không chỉ học nói mà học cách viết ra suy nghĩ của mình. Cách đặt dấu phẩy, dấu chấm than, viết hoa hay dùng emoji hoặc sticker cũng thể hiện thái độ của mình.
Về mặt tiêu cực, điều dễ thấy nhất là chúng ta chưa công nhận lằn ranh rạch ròi giữa công khai và riêng tư.
Ngoài đời chúng ta thường giữ khoảng cách với người lạ. Trên mạng không phải ai cũng thấy được giới hạn riêng tư của người khác. Họ nghĩ mình có quyền bước vào và nói gì, làm gì cũng được.
Họ dùng lý lẽ rằng là "bạn đăng lên bạn phải chịu". Ngoài đời sẽ không ai làm vậy mà phải tế nhị, tôn trọng hơn.
Thời đại số đang "tiến hóa" thành một xã hội của riêng nó và xóa nhòa ranh giới thật - ảo.
Ngày trước có từ "sống ảo", cho thấy người ta cảm thấy cuộc sống thật của mình kém cỏi và thua thiệt nên cố khoác lớp vỏ đẹp trên không gian ảo.
Khi mạng xã hội bắt đầu bùng nổ, chúng ta chỉ đang ở tầng giữa của tháp nhu cầu Maslow, sợ lạc lõng nên phải tìm cách giống với mọi người để hòa nhập.
Chúng ta đang hướng đến những tầng cao hơn. Mọi người đang hoạt động theo hội, nhóm trên mạng nhiều hơn.
Trước đây chúng ta hoạt động riêng lẻ và hơi cô đơn, nhưng mạng xã hội càng có những hội nhóm khiến mình thấy phù hợp.
Một số bạn trẻ hiện nay còn có xu hướng dùng mạng một cách low-key (lặng lẽ, không phô trương).
Mạng xã hội đang dần trở thành xã hội thứ hai và tồn tại song song với chúng ta và rộng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.
Tôi nghĩ chúng ta có thể chấn chỉnh văn hóa ứng xử bằng bộ quy tắc ứng xử từ các nhóm cộng đồng nhỏ và mong điều đó được lan tỏa từ từ để hình thành một cộng đồng lớn hơn, nơi mọi người có bộ quy tắc ứng xử đồng điệu với nhau.
"Tiêu chuẩn cộng đồng" nghe có vẻ lớn lao, nhưng tôi luôn tin rằng nó sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ và những thành tựu nhỏ.
Thời thế thay đổi sẽ tạo ra những cú sốc văn hóa. Nói cách khác, ở giai đoạn này, bức chân dung văn hóa của một xã hội bộc lộ rõ nhất. Chuyện mưu sinh cơm áo gạo tiền của kiếp người chẳng chừa ai cả.
Giàu mà không sang, giàu tiền mà nghèo văn hóa. Từ trong đời sống hằng ngày, phim ảnh, sách báo, show ca nhạc rẻ tiền, thẩm mỹ hạ đẳng cho đến nơi chốn linh thiêng như chùa chiền cũng lòi ra cái vô văn hóa.
Được bát cơm đầy hơn, miếng thịt to hơn mà lại mất văn hóa, mất môi trường thì được làm gì?
Mất cái ô tô, xe máy thì nhìn thấy ngay, nhưng mất văn hóa thì rất khó thấy. Mất một làng nghề truyền thống, mất lời ăn tiếng nói, mất một điệu cổ nhạc chả thấy ai kêu khóc.
Làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) mấy trăm tuổi nay chẳng còn lò nào đỏ lửa. Làng gốm Hương Canh nay chỉ còn vài lò. Mất cái chum, cái vại, cái ấm sắc thuốc bằng sành ấy tức là mất truyền thống, mất văn hóa vì những đồ vật ấy chứa trong nó nếp ăn, nếp nghĩ, nếp sống, tập tục, tính tình của người Việt, phong hóa của người Việt.
Cho nên tháng 11-2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đưa ra con đường phát triển văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam là vô cùng cần thiết. Văn hóa là bàn thờ, là phúc đức của dân tộc. Mất văn hóa là vô phúc.
Ôn chuyện xưa để nói chuyện nay. Một nghìn năm Bắc thuộc mà người Việt còn, nước Việt vẫn còn và khi giành được độc lập thì phát triển rực rỡ ngay, dưới thời Lý - Trần từ thơ văn, nghệ thuật điêu khắc tôn giáo trong chùa cho đến thiền phái Trúc Lâm Yên Tử...
Chỉ có thể lý giải thấu đáo chuyện này đó là do sức mạnh của văn hóa Việt. Ba lần quân Nguyên xâm lược Đại Việt và bị quân dân Đại Việt đuổi đánh ra khỏi bờ cõi, buộc nhà Nguyên từ bỏ hẳn ý đồ xâm lược Việt.
Chiến thắng ấy đâu chỉ do quân sự mà chắc chắn còn do văn hóa. Người dân Việt cùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi và văn hóa Việt đã đánh đuổi được giặc Minh.
Cú sốc văn hóa gần đây nhất và đang diễn ra đó là khi có Internet và các trang mạng xã hội.
Mới hôm trước cái sự ba hoa, bình bàn mới loanh quanh vài ba người trong xó nhà, quanh bàn trà bàn rượu, thế mà ngay hôm sau khi có mạng xã hội thì ôi thôi ăn nói càn rỡ, bình bàn vô tội vạ, bất kể chuyện gì dù đó là chuyện mà mình không có chuyên môn, từ chính trị, kinh tế, thời sự quốc tế, văn chương nghệ thuật...
Hoặc là những chuyện vô bổ, rồi lập bè lập nhóm chửi bới nhục mạ người khác.
Những khái niệm "người nổi tiếng", "KOL", "người có ảnh hưởng" vốn là những khái niệm tích cực nhưng nay bị đánh tráo.
Hoặc một chuyện khá hài hước xuất hiện gần đây: Các triển lãm hội họa, điêu khắc, sắp đặt rất đông các bạn trẻ tới "xem".
Nhưng họ không xem, cũng không bàn luận về các tác phẩm trưng bày mà chỉ chăm chăm đứng tạo dáng uốn éo dạng chân giơ tay để chụp ảnh rồi đưa lên mạng để câu view.
Văn hóa là gốc. Người ta sống trong một tòa nhà 50 tầng rất an toàn mà không cần biết cái móng của nó. Nhưng chắc chắn cái móng ấy phải rất vững, rất dầy.
Con tàu kinh tế hăng hái vun vút lao về phía trước mà không có một bệ đỡ văn hóa tốt sẽ là đại họa.
Xem thêm: mth.75823819151103202-os-iad-ioht-gnort-ux-gnu-aoh-nav-nort-nab/nv.ertiout