Nhiều trang còn đăng tải miễn phí bộ đề được cho là "đề thi chính thức các năm", trong khi theo quy định, tất cả đề thi đánh giá năng lực đều được thu lại sau khi thí sinh hoàn thành bài thi.
Nhiều học sinh và cả phụ huynh đang rất băn khoăn "có nên đăng ký luyện thi đánh giá năng lực".
Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng việc tham gia luyện thi một phần giúp thí sinh tự tin hơn, có kỹ năng làm bài tốt hơn.
Tuy nhiên, đối với luyện thi đánh giá năng lực cần cẩn trọng. Hiện có nhiều cá nhân, tổ chức luyện thi đánh giá năng lực dựa vào cấu trúc bài thi trong đề thi mẫu của các đại học công bố để xây dựng các đề thi cho học sinh giải. Những bài thi này chưa được kiểm chứng, do đó có khả năng sai.
"Đại học Quốc gia TP.HCM không có trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nào. Tất cả thông tin quảng cáo luyện thi trên mạng là do các tổ chức, cá nhân khác thực hiện không phải của hai đại học quốc gia", ông Chính khẳng định.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng cho rằng tác giả của các đề luyện thi có thể dựa vào các bài thi tham khảo hoặc cóp nhặt đề thi của trường này, trường kia nên tính hệ thống hóa không có, học sinh giải các đề này cảm thấy chỗ rất khó, khi quá dễ… Như thế là không đúng với ma trận đề thi chính thống.
Ông Thảo cho hay: "Các trung tâm luyện thi thường dựa vào đề thi tham khảo hoặc chọn một số đề na ná ở đâu đó khiến thí sinh cảm tưởng đề luyện thi giống đề thi thật. Trong khi, kho đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội rất lớn. Năm nay chúng tôi sẽ dành ra 10.000 - 12.000 câu hỏi để làm đề".
Thực tế, cả phụ huynh và học sinh đều có tâm lý phải đi ôn luyện thi mới đạt kết quả cao, dẫn đến các lớp luyện thi được hưởng lợi. Do đó, nếu như có bất kỳ kỳ thi nào diễn ra sẽ có lớp luyện thi ngay, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tư duy, thi đánh giá năng lực, thi tuyển sinh đại học, thi tiếng Anh… đều có các lớp luyện thi.
Học tủ sẽ không làm tốt bài thi đánh giá năng lực
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, để thi đạt điểm cao kỳ thi đánh giá năng lực thì bản thân thí sinh phải có năng lực tốt. Năng lực tốt là kết quả của cả quá trình dài, cách học trong khoảng thời gian dài chứ không phải một thời gian ngắn.
"Kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực thời gian qua cho thấy những thí sinh tiếp cận cách học một cách khoa học, có hệ thống và hiểu bản chất của vấn đề thì đạt điểm cao. Đa số các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đều có cách học nhẹ nhàng, không học tủ, học lệch", ông Chính cho hay.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cũng cho rằng thông thường với bài thi kiểm tra kiến thức, học sinh có thể học tủ, ôn theo dạng đề nào đó và đôi khi thi gặp dạng bài đó. Trong khi đề thi đánh giá năng lực hoàn toàn khác, được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Thống kê năm 2022 cho thấy những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đều là học sinh có kết quả học tập, kết quả thi THPT, thậm chí kết quả thi tiếng Anh quốc tế đều có mối tương quan rõ rệt.
"Do vậy, việc học sinh ôn luyện theo kiểu học gạo, học tủ nhiều hơn sẽ không phù hợp với bài thi đánh giá năng lực. Các em cố gắng ôn luyện ở các trung tâm luyện thi hay các nhóm luyện thi trên mạng sẽ không mang lại hiệu quả", ông Thảo khẳng định.
Làm sao làm tốt bài thi đánh giá năng lực?
Ông Nguyễn Quốc Chính cho biết đề thi đánh giá năng lực bao phủ lượng kiến thức vừa phải nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bản chất và mở rộng ra. Thí sinh cần hệ thống hóa kiến thức lớp 10, 11, 12 và có sự kết nối giữa các khoảng kiến thức.
"Một kinh nghiệm giúp thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu. Đề thi đánh giá năng lực rất dài cung cấp nhiều dữ kiện, số liệu nên thí sinh nào có khả năng đọc hiểu tốt, xử lý thông tin tốt thì sẽ đạt điểm cao. Tốt nhất là học một cách thực chất và đọc càng nhiều càng tốt", ông Chính chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Thảo khuyên: "Trước khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực, các em phải làm thử đề thi tham khảo. Các em có thể làm nhiều lần đề thi tham khảo để biết được kỹ năng làm bài. Khi làm bài thi tham khảo những phần nào thấy mình thực sự yếu, thì đó là phần các em cần bổ khuyết. Đó là điều tốt nhất đối với mỗi học sinh".
Về cách làm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Thảo hướng dẫn với những câu khó có thể bỏ qua để làm câu khác. Còn với câu dễ thì làm thật nhanh để có nhiều thời gian làm những câu khó.
Phần 1 với 50 câu hỏi thì các em có thể bỏ qua các câu hỏi khó và quay lại trong thời gian 75 phút.
Phần 2 cũng có 50 câu hỏi làm bài trong 60 phút và các em có thể bỏ qua và quay lại các câu hỏi khó. Tuy nhiên, các em không được bỏ qua phần 1 để sang phần 2 và quay lại phần 1.
Đến nay đã có tám đơn vị công bố tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy để tuyển sinh đại học năm 2023. Các kỳ thi này đều có một số thay đổi thí sinh cần lưu ý.
Xem thêm: mth.48321456162103202-cul-gnan-aig-hnad-iht-neyul-nen-oc/nv.ertiout