Là thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL Quân khu 9, Viện kiểm sát Quân sự Quân khu không ngừng nâng cao trách nhiệm trong tham gia tuyên truyền, PBGDPL cho các đơn vị, nhất là các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến Quân đội. Điều đó được thể hiện rõ nét qua phương pháp, tác phong của đội ngũ báo cáo viên.
Ngay khi nhận kế hoạch lên lớp, Thượng tá Nguyễn Hiển Khanh, Kiểm sát viên trung cấp, Trưởng Ban Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự (Viện kiểm sát quân sự Quân khu 9) bắt tay vào nghiên cứu kỹ các tài liệu, tư liệu có liên quan, điều anh trăn trở là phải làm thế nào đổi mới phương pháp xây dựng bài giảng trình chiếu, cách truyền đạt kiến thức pháp luật phù hợp đối tượng tiếp nhận với tiêu chí dễ hiểu, dễ nhớ nhất.
Để bài giảng thêm phần sinh động, anh Khanh tìm tòi, đưa nhiều hình ảnh, video từ nguồn chính thống như kênh VTV, QPVN, Báo QĐND…để minh chứng cho thực trạng, biện pháp qua đó làm rõ các quy định của pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Hiển Khanh chia sẻ: “Năm nay, tôi phụ trách 2 chuyên đề, trong đó có chuyên đề bổ sung về thực trạng và giải pháp phòng ngừa hoạt động mua bán người, xuất, nhập cảnh trái phép. Đây là vấn đề không mới nhưng có tính thời sự cao, được dư luận quan tâm, do đó tôi lồng ghép các clip ngắn, dẫn chứng vụ việc, vụ án mua bán người qua biên giới để cán bộ, chiến sĩ hiểu và nhận thức rõ, cảnh giác trước vấn nạn này”.
Đồng quan điểm, Thượng tá Lê Thành Tính, Kiểm sát viên trung cấp, Trưởng Ban Kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án dân sự và khiếu tố (Viện kiểm sát quân sự Quân khu 9) nhận định: “Để bài giảng pháp luật không còn khô khan, cứng nhắc, yêu cầu người báo cáo viên phát huy tối đa ưu điểm của bài giảng trình chiếu; linh hoạt về phương pháp truyền đạt, bao quát lớp học, gợi mở, diễn giải, cùng trao đổi nêu vấn đề đặt ra từ các vụ án, câu chuyện pháp luật để người nghe tập trung lắng nghe, không khí lớp học bớt căng thẳng”.
Toà án Quân sự Quân khu 9 hiện có 7 báo cáo viên, được phân công PBGDPL các đơn vị: Trung đoàn 1, Sư đoàn Bộ binh (Sư đoàn 330); Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416; Lữ đoàn 950. Trung tá Trần Quốc Tài, Thẩm phán Trung cấp, chia sẻ: "Các đơn vị chủ lực đóng quân phân tán, nhiệm vụ đan xen, vì vậy, căn cứ tình hình, quân số, chúng tôi tuyên truyền gắn thực tế nhiệm vụ, địa bàn. Trong đó, tập trung vào thực hiện 10 Lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, Thông tư số 16 của Bộ Quốc phòng, ý thức chấp hành quy định của đơn vị. Mặt khác, chủ động tìm hiểu chuyên đề của đồng nghiệp để sẵn sàng thay thế khi cần".
Toà án quân sự khu vực Quân khu 9 xét xử lưu động tội “Cố ý gây thương tích” tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (Ảnh: Hữu Đặng)
Bên cạnh 5 chuyên đề theo kế hoạch, Toà án Quân sự Quân khu 9 xác định nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân qua từng phiên tòa xét xử lưu động. Đồng thời, gửi các cơ quan, đơn vị thông báo xét xử làm tài liệu học tập, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
"Cùng với đó, chúng tôi chú trọng bồi dưỡng, tập huấn; làm tốt công tác chuẩn bị, thông qua bài giảng giúp báo cáo viên nâng cao trình độ, năng lực sư phạm; tiến hành PBGDPL 243 giờ cho trên 11.000 lượt cán bộ, chiến sĩ. Mặt khác, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm hạn chế, khuyết điểm và đề ra các biện pháp khắc phục để công tác này hiệu quả hơn", Đại tá Cao Văn Hồ, Chánh án Toà án Quân sự Quân khu thông tin.
Cơ quan thường trực, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Quân khu bám sát kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, nề nếp các nội dung tuyên truyền pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.
"Năm 2022, ngoài 5 chuyên đề quy định, chúng tôi còn biên soạn các nội dung: Hoạt động mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép - thực trạng và giải pháp; công tác bảo vệ, khám nghiệm hiện trường; thông báo tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn; giáo dục, cải tạo phạm nhân... Qua đó, cung cấp kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ các thông tin trên địa bàn Quân khu cũng như nâng cao ý thức phòng tránh, cảnh giác. Từ đầu năm đến nay, 15 báo cáo viên của cơ quan Điều tra Hình sự Quân khu tổ chức 673 giờ PBGDPL cho trên 18 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ", Đại tá Nguyễn Hoàng Sơn, Trưởng phòng Điều tra Hình sự Quân khu 9, cho biết.
Cùng với tâm huyết của báo cáo viên 13 đơn vị thuộc Hội đồng phối hợp PBGDPL Quân khu 9, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh các mô hình tuyên truyền như: "Ngày Pháp luật", "Tủ sách pháp luật", "Mỗi tuần 1 điều luật", "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân", "Diễn đàn thanh niên"... với trên 6.600 cuộc thu hút gần 500.000 lượt người tham gia. Đại tá Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng Phòng Tuyên huấn Quân khu cho biết: "Các cơ quan, đơn vị kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, PBGDPL với giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý bộ đội cũng như phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa. Qua đó, giáo dục cán bộ, chiến sĩ đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, kỷ luật trong LLVT Quân khu".
Năm 2022, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 9 tổ chức PBGDPL trực tiếp hơn 5.800 cuộc với trên 447.000 lượt người; cấp phát hơn 5.300 tài liệu PBGDPL, trong đó có 154 tài liệu tiếng Khmer; gần 3.000 tin, bài liên quan đến pháp luật đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đặc biệt, 7.460 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia 117 cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các cấp tổ chức. |
Xem thêm: lmth.000105-nahn-nauq-auc-taul-pahp-cud-oaig-neib-ohp-cat-gnoc-auq-ueih-oac-gnan/taul-pahp/nv.ylgnoc