"Chúng tôi có mọi lý do để tự tin và cảm thấy thực sự lạc quan", Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault cho biết "Ở Macao, mọi thứ đang thay đổi khá ngoạn mục. Các cửa hàng đã kín chỗ và cuộc sống đang quay trở lại rất mạnh mẽ."
Ông Arnault nói thêm, nếu "những chồi xanh" mà tập đoàn xa xỉ này nhìn thấy ở Trung Quốc tiếp tục phát triển, thì "đây sẽ là một năm tuyệt vời".
LVMH - công ty mẹ của những thương hiệu xa xỉ như Christian Dior, Louis Vuitton, Tiffany... đã báo cáo năm thứ hai liên tiếp đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục vào năm 2022. Doanh thu của ông lớn xa xỉ tăng 23% lên 79,2 tỷ Euro, tương đương khoảng 86,2 tỷ USD. Lợi nhuận tăng 17% lên 14 tỷ Euro, tương đương khoảng 15,2 tỷ USD.
Sự trở lại của người tiêu dùng Trung Quốc là câu hỏi quan trọng đối với ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu vào năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng chậm lại. Cổ phiếu của LVMH, Richemont, Kering và các tên tuổi xa xỉ lớn khác đã tăng vọt trong tháng này với hy vọng chi tiêu cho các mặt hàng cao cấp của người tiêu dùng thượng lưu Trung Quốc sẽ nhanh chóng phục hồi. Người tiêu dùng hạng sang của đất nước tỷ dân chiếm 1/3 tổng doanh số bán hàng xa xỉ trước khi đại dịch.
Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault tự tin vào năm 2023 "tuyệt vời"
Trước đó, giám đốc tài chính của LVMH, ông Jean-Jacques Guiony, cảnh báo rằng mặc dù sự phục hồi diễn ra mạnh mẽ vào tháng 1, nhưng "chúng ta chưa thể trở lại mức của năm 2019. Chúng ta còn lâu mới đạt được mức đó".
Tuy nhiên, sự lạc quan của người đứng đầu LVMH đến từ những con số khá ấn tượng của Burberry và Swatch ngay trong đầu năm mới.
Burberry cho biết "những dấu hiệu rất hứa hẹn ở Trung Quốc" sau một tháng 12 khó khăn, trong khi Swatch nhấn mạnh "doanh số bán hàng tăng trưởng ở Trung Quốc trong tháng 1 củng cố kỳ vọng về một năm kỷ lục vào năm 2023."
Một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đánh dấu một "vụ nổ lớn" đối với hàng xa xỉ, thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước này cũng như ở châu Âu, khi khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Paris, Milan và London vào mùa hè này.
Bain & Co cho biết, doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu đã tăng 22% trong năm 2022, lên hơn mốc 380 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ thay thế Trung Quốc trở thành thị trường hàng đầu của các mặt hàng xa xỉ.
Tuy nhiên, công ty này dự báo, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc hồi phục, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ ở nước này có thể sẽ chậm hơn trong năm nay.
Bain & Co ước tính doanh số hàng xa xỉ toàn cầu trong năm 2023 có thể tăng từ 3% đến 8% tùy thuộc vào việc mở cửa trở lại của Trung Quốc và thị trường Hoa Kỳ.
Đã có những dấu hiệu cho thấy thị trường hàng xa xỉ của Mỹ đang chậm lại. LVMH cho biết doanh thu tại Mỹ tăng 7% trong quý IV, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 26% và 22% trong hai quý đầu năm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm phần lớn là do so sánh thuận lợi trong hai quý đầu tiên và việc người Mỹ tận dụng đồng USD mạnh để mua hàng xa xỉ ở châu Âu trong mùa hè. Ông Jean-Jacques Guiony cho biết, doanh số bán hàng tại Sephora - nhà bán lẻ làm đẹp thuộc sở hữu của LVMH – cho thấy "không có dấu hiệu về việc người tiêu dùng ở Mỹ tiêu thụ hàng xa xỉ yếu đi".
"Chúng tôi không lo lắng", ông Guiony nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.10295026172103202-2202-man-gnort-cul-yk-ial-hmvl-ueih-gnah-auv/et-hnik/nv.vtv