Thực hiện Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Nghị quyết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 và kết thúc ngày 15/3/2023.
Đánh giá về ý nghĩa của việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Người Đưa Tin(NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội.
NĐT: Thưa đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, ông đánh giá như thế nào về dự án Luật này?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Luật Đất đai là Luật liên quan đến toàn dân, là “quan hệ nóng” về vấn đề khiếu kiện, khúc mắc, liên quan đến lợi ích của rất nhiều bên người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước… Lần sửa đổi Luật lần này là lần sửa mang tính chất căn bản nhằm tạo sự thay đổi cốt yếu để giải quyết được những vấn đề đặt ra hiện nay.
NĐT: Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật này theo đại biểu cần phải lưu ý điều gì?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Việc lấy ý kiến nhân dân thì từ trước đến nay các dự án Luật đều làm, nhưng riêng với Luật Đất đai lần này đặt ra là phải làm thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn, làm sao cho người dân thực sự tham gia vào quá trình góp ý kiến một cách hữu hiệu.
Tôi cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân cần phải bài bản, khoa học, thực chất. Nếu làm được điều này, cộng với việc người dân nhận thức rõ những nội dung trong dự thảo Luật sẽ tác động như thế nào đến quan hệ đất đai, đến quyền, nghĩa vụ của người dân thì sẽ có những ý kiến thực sự sâu sát.
Đồng thời, không chỉ giúp cho người dân có ý kiến đóng góp mà cũng làm thay đổi nhận thức của người dân để khi Luật thông qua sẽ được sự đồng thuận cao và nhanh đi vào thực tiễn.
NĐT: Trong Luật Đất đai (sửa đổi) vấn đề về giải phóng mặt bằng, giá đất, điều chỉnh giá đất cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Theo đại biểu, những vấn đề này cần phải được giải quyết như thế nào để đảm bảo sự công bằng?
ĐBQH Hoàng Văn Cường: Chúng ta cần bám sát theo Nghị quyết 18 là phải sử dụng các quan hệ về thị trường, đảm bảo nguyên tắc của thị trường, trong việc xác định giá đất cũng như đề bù, giải phóng mặt bằng.
Về mặt giá đất, chúng ta phải cương quyết tiến tới xây dựng bảng giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường đất đai.
Khi phản ánh đúng giá trị thị trường thì những quan hệ liên quan đến đất đai, người có đất bị thu hồi hay được cấp đất thì đều phải thực hiện những nghĩa vụ tương ứng với giá trị đó, thấy tương đối thỏa đáng. Như vậy, lợi ích của những người tham gia vào quan hệ này sẽ được đảm bảo, tránh được mâu thuẫn như hiện nay.
Từ chỗ xác định được bảng giá đất sát với quan hệ thị trường thì những quan hệ về thu hồi đất, đền bù đất đai không còn xảy ra vấn đề vi phạm lợi ích. Như vậy, thu hồi đất đai cũng phải được thực hiện một cách thống nhất.
Theo tôi, cũng cần khắc phục tình trạng để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Bởi nếu cứ để tự thỏa thuận thì có thể có một số người dân cố tình gây khó khăn, cố tình tìm các biện pháp để đòi giá thật cao nhằm hưởng lợi.
Nhưng theo tôi được biết, đại đa số người dân khác họ sẵn sàng dành đất đai để đầu tư cho dự án, để phát triển kinh tế xã hội tốt hơn, họ thấy giá đền bù thỏa đáng rồi nên chấp nhận.
Như vậy, vô hình chung tạo ra mất công bằng giữa những người có trách nhiệm, ý thức tốt sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội với những người cố tình gây khó khăn…
Vì thế, đền bù và thu hồi đất nếu thực hiện tốt nguyên tắc đảm bảo giá trị thị trường thì sẽ giải quyết được tất cả những mâu thuẫn.
NĐT: Xin cảm ơn đại biểu!
Kỳ vọng giải quyết được những vướng mắc
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự luật hết sức quan trọng, tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân.
Xuất phát từ thực tiễn thời gian qua, những vướng mắc, bất cập, những đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua tập trung chủ yếu là lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Luật đất đai có ý nghĩa rất quan trọng.
Đối tượng là toàn dân được tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo Luật, từ đó sẽ thể hiện được mong mỏi của cử tri về các vấn đề xoay quanh dự thảo Luật, góp nhiều ý kiến hay, có chất lượng được gửi gắm đến ban soạn thảo, để có tổng hợp, đánh giá, tiếp thu giải trình tại các kỳ họp Quốc hội, làm sao Luật đất đai khi sửa đổi sẽ giải quyết được những vướng mắc trong Luật hiện hành.