Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự án luật sửa đổi, bổ sung luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi trong lần chủ trì phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung luật Đấu giá tài sản |
bộ tư pháp |
Có tình trạng "quân xanh, quân đỏ"
Theo Bộ Tư pháp, qua 5 năm triển khai, luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cũng phát sinh không ít hạn chế cần sớm khắc phục.
Điển hình, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa có hiệu quả, tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc; xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá.
Dẫn chứng cụ thể cho nhận định này, Bộ Tư pháp cho biết một số trường hợp người tham gia đấu giá tài sản là công ty mẹ, công ty con, công ty cùng là thành viên của tập đoàn, các công ty có cổ phần chi phối; bố, mẹ, anh, chị, em, vợ, chồng cùng đăng ký tham gia mua một tài sản.
Hay như việc hai người tham gia đấu giá cùng ủy quyền cho một người khác tham gia đấu giá; người tham gia đấu giá ủy quyền cho người khác tham gia đấu giá mà người này cũng là người tham gia cuộc đấu giá đó.
Những phát sinh trên dẫn đến việc tổ chức đấu giá không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có thể xảy ra tình trạng thông đồng, dìm giá.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cho rằng chất lượng đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế, bất cập. Có tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị hủy kết quả đấu giá do vi phạm về trình tự, thủ tục; thậm chí bị điều tra, truy tố, xét xử.
Cùng với đó, người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bán tài sản. Một số trường hợp có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá để trục lợi.
Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý. Có trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước. Hoặc người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn tồn tại…
Giao diện trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp quản lý, vận hành |
chụp màn hình |
Cha mẹ, con cái không được đấu giá cùng một tài sản
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Tư pháp đề xuất nhiều quy định mới về trình tự, thủ tục đấu giá, nhằm phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, công khai và minh bạch.
Trong số này, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung các trường hợp không được tham gia đấu giá, gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác thông qua sở hữu, thâu tóm phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đấu giá.
Bộ Tư pháp nhận định, quy định mới sẽ loại trừ được hoàn toàn hiện tượng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, nhất là các cá nhân, tổ chức có mối quan hệ lợi ích chi phối lẫn nhau trong đấu giá.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề xuất bỏ quy định thông báo công khai đấu giá bằng báo in hoặc báo hình, thay vào đó thống nhất hình thức công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia về đấu giá tài sản.
Theo giải thích, việc thông báo đấu giá trên báo in, báo hình hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo tính khả thi, tính tiếp cận thông tin không cao.
Thậm chí, một số tổ chức còn lợi dụng quy định về báo in, báo hình để hạn chế thông tin đấu giá như: đăng trên báo ít người đọc, phát sóng vào các khung giờ đêm hoặc 1 - 2 giờ..., gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu giá tài sản.
Một nội dung khác được đề xuất, đó là tiếp tục sử dụng trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản (http://dgts.moi.gov.vn) và tích hợp trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia (đang dự thảo).
Đây sẽ là tiền đề hướng đến việc nghiên cứu bán đấu giá tài sản công, tài sản phải bán đấu giá (tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm) bằng hình thức trực tuyến, từ đó góp phần xử lý tài sản của Nhà nước, cá nhân, tổ chức được công khai, minh bạch, khách quan.