vĐồng tin tức tài chính 365

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

2023-01-30 06:39

Nhân dịp năm mới 2023 và mừng xuân Quý Mão, tổng lãnh sự của các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia đã tham gia chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” theo lời mời của báo Pháp Luật TP.HCM. Những người đứng đầu cơ quan tổng lãnh sự quán của tám quốc gia đã chia sẻ nhiều ấn tượng, sự tin tưởng, kỳ vọng cũng như bày tỏ một số trăn trở đối với TP.HCM trong thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, đời sống xã hội, trao đổi văn hóa… giữa TP và các nước.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP cam kết tiếp tục lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế tại TP bằng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách và hành động kịp thời, cụ thể và đạt hiệu quả tốt nhất.

Các doanh nghiệp nước ngoài là động lực quan trọng

. Phóng viên: Thưa ông, năm 2022 đánh dấu thành công của TP.HCM nói riêng và VN nói chung trong thu hút vốn FDI. Ông nhận định như thế nào về vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đời sống xã hội của TP trong bối cảnh hiện nay?

+ Chủ tịch Phan Văn Mãi: Từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại VN được Quốc hội thông qua vào ngày 29-12-1987, đã có 35.481 trường hợp đầu tư nước ngoài vào TP.HCM với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 79 tỉ USD. Có đến 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP. Riêng năm 2022, bất chấp những khó khăn còn dư âm do đại dịch COVID-19 gây ra từ giai đoạn 2020-2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TP.HCM vẫn tăng trưởng và đạt 3,94 tỉ USD, dẫn đầu trong 63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Cũng trong năm 2022, vốn FDI ở các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động giảm 9,7% so với năm 2021 nhưng dòng chảy FDI vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ lại có diễn biến rất tích cực khi tăng gấp sáu lần so với năm 2021 và tăng 1,2 lần so với năm 2019 - thời điểm chưa có đại dịch xuất hiện.

Trong ba tháng cuối năm 2022, nổi bật có dòng vốn FDI của 38 dự án thu hút mới có giá trị lên đến 47,9 triệu USD chảy vào TP.HCM, tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn khoa học và công nghệ. Đó là những tín hiệu đáng mừng về FDI của TP, về những nỗ lực của cả bộ máy chính quyền, các doanh nghiệp trong nước đối với việc thu hút sự tham gia của các đối tác quốc tế. Sự chuyển dịch trong cơ cấu FDI cũng cho thấy định hướng phát triển công nghệ cao, kinh tế số và chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống của TP hiện tại và thời gian tới.

Các dự án FDI có vai trò quan trọng, là một trong những động lực chủ chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế TP trong thời gian qua và trong tương lai. Năm 2022, nguồn vốn này chiếm 13,02% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 78.000 tỉ đồng cho ngân sách, giải quyết trên 568.000 việc làm, đóng góp 61% giá trị xuất khẩu của TP.HCM.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp FDI ảnh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp xã giao ông Tsutomu Takebe, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động đối thoại hữu nghị TP.HCM 2022. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TP.HCM hoàn thiện nhiều quy hoạch thu hút đầu tư

. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM đầu xuân Quý Mão, tổng lãnh sự Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và nhiều nước khác tại TP.HCM đánh giá rất tích cực nỗ lực của chính quyền và nhân dân TP trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Dù vậy, họ kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ bền vững hơn nữa, các cơ chế thu hút đầu tư thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp nước ngoài có thể đồng hành lâu dài với TP. Trước những kỳ vọng đó, năm 2023 và những năm sau nữa, TP.HCM có những chủ trương như thế nào để tạo điều kiện, thu hút hơn nữa nhà đầu tư từ các nước đến với TP?

+ Tôi có thể khẳng định rằng TP luôn coi trọng và cam kết đồng hành, hỗ trợ hết mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài. TP sẽ tiếp tục lắng nghe, tìm kiếm các giải pháp và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn, bền vững hơn để các nhà đầu tư an tâm rót vốn, nhân lực và cả công nghệ, kinh nghiệm… Những việc này thực chất đã được TP thực hiện trong nhiều năm qua và năm 2023 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp cụ thể hơn, hiệu quả hơn, thích ứng với những điều kiện mới sau đại dịch COVID-19 và những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới.

Tôi cũng muốn thông tin rằng TP.HCM đang hoàn thiện và triển khai nhiều quy hoạch quan trọng, điển hình là lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 642 của Chính phủ; đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo Quyết định 1528 của Chính phủ.

TP.HCM cũng đang tập trung vào một số vấn đề chủ đạo nhìn từ phạm vi quy hoạch rộng lớn hơn, đó là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ. Trong đó có thể kể đến việc triển khai lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo Quyết định 463/2022 của Thủ tướng; hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc; liên kết giao thông vùng, từ đường bộ, đường thủy đến đường sắt; liên kết bảo vệ môi trường. Cùng với đó là liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng; hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và đầu tư phát triển TP.

Những cam kết không ngừng nâng chất môi trường đầu tư được TP.HCM quyết tâm làm và những nhiệm vụ điển hình tôi vừa nêu là cơ sở định hướng của TP trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Kỳ vọng phát triển công nghệ cao, kinh tế số

. Ở chiều ngược lại, ông kỳ vọng như thế nào về sự tham gia, đầu tư, đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài đến TP.HCM?

+ Với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi mong rằng họ tự tin và mạnh dạn mang vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, nông nghiệp đô thị và chế biến nông sản; tham gia mạnh vào xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn kết phát triển công nghiệp phụ trợ trên địa bàn TP.HCM. Đây đều là những lĩnh vực trọng tâm mà TP sẽ thúc đẩy trong thời gian tới mà ở đó các doanh nghiệp FDI đóng vai trò, động lực lớn.

Năm 2023, TP.HCM dự kiến sẽ ban hành Bộ tiêu chí thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và có kế hoạch, lộ trình, chính sách cho việc chuyển đổi công nghệ trong phát triển công nghiệp trên địa bàn TP. Tôi tin đây sẽ là một trong những điểm sáng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có mong muốn chuyển đến tìm kiếm cơ hội làm ăn, phát triển tại TP.HCM nói riêng và VN nói chung trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên thế giới đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ Tây sang Đông, nhất là Đông Nam Á trong đó có VN.

. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò, tầm quan trọng của các cơ quan lãnh sự, tổng lãnh sự quán tại TP.HCM trong việc nâng cao hiểu biết, tăng cường hợp tác, thúc đẩy đổi mới - sáng tạo giữa TP.HCM nói riêng và VN nói chung với các địa phương, các quốc gia trong khu vực và thế giới?

+ TP.HCM đánh giá cao hoạt động và cám ơn các vị tổng lãnh sự, nhân viên lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế tại TP. Thông qua sự kết nối của các vị tổng lãnh sự, TP đã tiếp cận, trao đổi và làm việc với nhiều đối tác quốc tế, từ đó tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển của TP.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là TP.HCM đang xây dựng, phát triển thành trung tâm kinh tế sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế. TP.HCM cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM, vốn đã được ấp ủ và chuẩn bị cẩn thận qua nhiều năm. Năm 2022, TP.HCM đã có kiến nghị, sau đó Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, TP sẽ nỗ lực để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 và khu vực châu Á vào năm 2045.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các tổng lãnh sự quán và các đối tác quốc tế để cùng khai thác tiềm năng, lợi thế và cùng phát triển. Nhân dịp năm mới 2023, tôi xin gửi đến các vị tổng lãnh sự, trưởng các tổ chức quốc tế, nhân viên các tổng lãnh sự quán và tổ chức quốc tế, các đối tác quốc tế một năm thuận lợi và thành công.

. Xin cám ơn ông.•

Tích cực thúc đẩy các công trình trọng điểm

Một trong những giải pháp mà TP đưa ra để thu hút đối với các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đó là việc thúc đẩy việc hoàn thiện các công trình trọng điểm, được xem như “huyết mạch” của các hoạt động kinh tế - xã hội ở TP. Theo đó, năm 2023 TP dự chi 15.300 tỉ đồng làm hai dự án xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cải tạo rạch Xuyên Tâm.

Với dự án tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công vào cuối quý IV-2023. Trong khi đó, với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, TP đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính vào năm 2025.

Với dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3, ban chỉ huy dự án tổ chức đi thực địa trực tiếp đến các địa bàn để rà soát tiến độ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường).

Xem thêm: lmth.557717tsop-idf-peihgn-hnaod-gnuc-hnah-gnod-pahp-iaig-ueihn-iam-nav-nahp-mchpt-hcit-uhc/nv.olp

“Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp FDI”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools