Phản ánh tới Thanh Niên, anh Q. (23 tuổi, quê Bắc Giang, đang làm công nhân trên địa bàn Hà Tĩnh) cho biết, anh đang “đau đầu” vì vướng vào vụ việc có dấu hiệu tống tiền thông qua mạng xã hội.
Anh Q. liên tục bị "khủng bố" cuộc gọi và tin nhắn sau lần "chat sex" với người lạ trên mạng xã hội |
nvcc |
Khốn khổ vì ham “cảm giác lạ”
Theo phản ánh của anh Q., cách đây vài tháng, sau khi kết thúc cuộc nhậu liên hoan với bạn, anh Q. về nhà lướt mạng xã hội bằng các tài khoản Facebook, Zalo và TikTok. Thấy một số tài khoản có hình ảnh đại diện là nữ giới sexy, anh Q. tò mò nên vào xem thử.
Ngay khi bắt chuyện, đối phương tỏ ra rất thân thiện, chủ động rút ngắn khoảng cách. Chỉ đôi lời qua lại, đối phương gợi mở chuyện yêu đương. Cho là mạng xã hội ảo sẽ không mất gì, anh Q. nhận lời “thử xem sao”.
Khi lấy được sự tin tưởng, đối phương ngỏ ý rủ anh Q. “chat sex”. Sẵn hơi men trong người, anh Q. liền đồng ý. Đối phương sử dụng ứng dụng Telegram để gọi cho anh Q., cuộc video call kéo dài khoảng 13 giây.
Kết thúc trò chuyện, anh Q. đi ngủ, nghĩ rằng mọi chuyện sẽ chẳng có gì. Thế nhưng, sáng sớm hôm sau, đối phương gửi các ảnh chụp màn hình và video cuộc “chat sex” tối qua cho anh Q., kèm theo yêu cầu chuyển 10 triệu đồng. Nếu không đáp ứng, đối tượng sẽ phát tán những hình ảnh, clip này.
Lo sợ, nhưng vì không có tiền, anh Q. từ chối. Đối tượng liền đe dọa đã hack được danh bạ điện thoại và sẽ gửi các hình ảnh trên cho người thân của nam thanh niên.
Thấy nạn nhân im lặng, đối tượng liên tục "khủng bố" cuộc gọi, thậm chí gọi cho người thân của anh Q. để gây sức ép. Cứ như vậy, mỗi ngày anh Q. phải chịu đựng hàng chục cuộc gọi cùng các tin nhắn dọa dẫm như “không chuyển tiền thì đừng trách”, “chuyển tiền xong sẽ xóa video”…
Sau thời gian dài, có thời điểm rơi vào trầm cảm, anh Q. quyết định trình báo cơ quan công an. Công an tiếp nhận tin báo nhưng cho biết việc điều tra sẽ rất khó khăn vì đối tượng lừa đảo dùng tài khoản ảo và các đầu số ở nước ngoài.
Ngoài vụ việc của anh Q., vừa qua, công an các địa phương cũng giải quyết hàng loạt tin báo tương tự. Đặc điểm chung là nạn nhân nhận lời “chat sex” hoặc gửi hình ảnh, clip nhạy cảm cho một người làm quen thông qua mạng xã hội, sau đó bị tống tiền.
Chiêu trò dụ dỗ tinh vi
Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, cho biết Việt Nam hiện có hơn 72 triệu tài khoản mạng xã hội. Số lượng rất lớn, song kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn của nhiều người còn rất hạn chế.
Ông Hiếu dẫn chứng bằng hàng loạt vụ việc bị tống tiền như đã đề cập ở trên, và chỉ ra thủ đoạn thường dùng của loại tội phạm này.
Theo vị thượng tá, đầu tiên, các đối tượng sẽ tìm cách làm quen, kết bạn với nạn nhân thông qua mạng xã hội. Nạn nhân được ngắm tới thường là nữ giới có độ tuổi còn trẻ, hoặc các nam thanh niên mới lớn, ít giao tiếp xã hội.
Sau khi tạo được sự tin tưởng, đối tượng sẽ dần đưa nạn nhân vào bẫy, bằng việc dùng các chiêu trò dụ dỗ gửi hình ảnh, clip nhạy cảm.
Với nạn nhân là nữ giới, đối tượng đưa ra các gợi mở hấp dẫn như mời làm mẫu ảnh khỏa thân, diễn viên nghiệp dư, trả công bằng tiền mặt hoặc thẻ cào điện thoại…, hoặc giả vờ quan hệ yêu đương để đòi hỏi được chiều theo ý muốn.
Với nạn nhân là nam giới, thủ đoạn phổ biến là tạo mối quan hệ tình cảm ảo để khơi gợi đưa ra các hình ảnh, clip nhạy cảm. Tinh vi hơn, có trường hợp đối tượng là nam giới nhưng lại đóng giả là nữ giới hòng đưa nạn nhân vào tròng.
Thực tế, nhiều người do không lường trước được hậu quả nên đã tin tưởng, gửi ảnh hoặc clip nhạy cảm của bản thân cho đối phương, thậm chí tham gia “chat sex” mà không hề biết các đối tượng âm thầm lưu lại tất cả.
Đến một thời điểm nào đó, các đối tượng sẽ sử dụng chính những hình ảnh, clip trên để uy hiếp, đưa ra yêu sách đối với nạn nhân. Đòi hỏi có thể là về tiền bạc hoặc quan hệ tình dục. Nếu nạn nhân không đồng ý, đối tượng sẽ đe dọa phát tán, gửi hình ảnh, clip của nạn nhân lên mạng xã hội hoặc gửi cho người thân, bạn bè…
“Nhiều người vì sợ mất danh dự nên buộc phải làm theo, có người mất số tiền lớn, trở thành nô lệ tình dục trong thời gian dài”, thượng tá Hiếu thông tin.
Vẫn theo ông Hiếu, hành vi trên hiện rất phổ biến nhưng việc điều tra lại rất khó khăn. Lý do, loại tội phạm này thường sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Để truy xuất từ một tài khoản ảo trên mạng xã hội đến một con người thật phía sau đòi hỏi rất nhiều công sức.
Thêm vào đó, nạn nhân trong các vụ việc này thường có tâm lý e ngại, không trình báo hoặc trình báo rất muộn, khiến công tác tiếp nhận tin báo và triển khai biện pháp điều tra càng thêm khó.
Làm gì để không trở thành nạn nhân?
Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, những hình ảnh, clip nhạy cảm một khi đã phát tán trên không gian mạng thường lan truyền rất nhanh, rất khó để ngăn chặn, thiệt hại về danh dự và nhân phẩm cho nạn nhân không thể đong đếm.
Để tránh trở thành nạn nhân, mỗi người dùng mạng xã hội cần tự trang bị kiến thức, sớm nhận diện những thủ đoạn của tội phạm như đã đề cập, không tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm.
“Trong bất cứ cuộc giao tiếp nào, nếu đối phương đề cập vấn đề liên quan đến sinh lý hoặc yêu cầu gửi hình ảnh, clip nhạy cảm thì phải lập tức nâng cao cảnh giác. Một người bình thường và ngay thẳng sẽ không bao giờ đưa ra những đòi hỏi như vậy, chắc chắn đằng sau có sự biến thái hoặc động cơ đen tối nào đó”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nếu không may bị sập bẫy, người dân cần trình báo cơ quan công an sớm nhất có thể, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cũng như hỗ trợ tốt nhất cho công tác điều tra, xác minh vụ việc.