Ông Chương nói: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022.
Theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tốt nghiệp tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Kỳ thi tốt nghiệp dự kiến tổ chức như mọi năm vào nửa đầu tháng 7. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức kỳ thi này.
* Với định hướng này, thí sinh và các trường cần lưu ý gì, thưa ông?
- Kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được từ việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với gần 1 triệu thí sinh (đạt tỉ lệ 93,1%), tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho người dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến cho thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023.
Riêng thí sinh học xong THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp những năm trước, những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thi, đặc biệt là đăng ký dự thi trực tuyến giúp thí sinh có thể tra cứu chính xác thông tin cá nhân nhờ văn bản rõ nét, chuẩn hóa.
Kết quả kê khai của học sinh được lưu bằng bản điện tử với ngày giờ để làm căn cứ đối chiếu khi cần và có thể truy xuất mọi lúc, mọi nơi. Học sinh có thể tự hỗ trợ, hướng dẫn lẫn nhau trong việc kê khai thông tin.
* Có thông tin cấu trúc và nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có những điều chỉnh để tiệm cận dần với việc đổi mới kỳ thi sau năm 2025 áp dụng đối với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Xin ông cho biết định hướng ra đề thi năm nay thế nào?
- Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.
Nhưng đề thi sẽ tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên thực tế, đề thi năm 2021, 2022 cũng đã xuất hiện các nội dung này.
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT mặc dù được xác định mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đánh giá chất lượng dạy học phổ thông nhưng hiện vẫn có nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này. Điều đó cho thấy áp lực dồn vào kỳ thi vẫn lớn. Vậy năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp thế nào cùng các địa phương đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi?
- Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, khách quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, có một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi.
Cùng với các đoàn kiểm tra của bộ, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.
Thứ ba, tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi.
Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả.
Trong đó, yêu cầu các hội đồng thi phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng điện thoại hoặc những vật dụng cấm mang vào phòng thi và tuân thủ quy định, hướng dẫn của hội đồng thi, nhất là để các vật dụng cá nhân, các tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại đúng địa điểm do hội đồng thi quy định; cảnh báo cho thí sinh trong phòng thi về những thiết bị công nghệ cao có thể được sử dụng để gian lận thi cử.
Thứ năm, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo quy định tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; chú trọng việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi...); bố trí các điểm thi vừa thuận lợi cho thí sinh dự thi vừa bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc; rà soát, bổ sung các điều kiện về kinh phí, trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Dự kiến thi vào nửa đầu tháng 7
Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến tổ chức vào nửa đầu tháng 7-2023. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi cho thí sinh - theo ông Huỳnh Văn Chương.
Năm 2023, Trường đại học Ngoại thương giữ ổn định sáu phương thức tuyển sinh đại học chính quy, trong đó có đến bốn phương thức xét tuyển sớm.
Xem thêm: mth.64974313292103202-oas-ar-3202-man-gnoht-ohp-coh-gnurt-peihgn-tot-iht/nv.ertiout