Ngày 30-1, Chính phủ Anh đã công bố các biện pháp mới để đẩy nhanh việc trục xuất tội phạm nước ngoài.
Theo Hãng thông tấn AFP, mục tiêu là nhắm tới những người tự nhận là nạn nhân của chế độ "nô lệ hiện đại" nhưng làm chuyện phi pháp ở Anh.
Những người này đã vịn vào Cơ chế giới thiệu quốc gia (NRM) để tiếp tục ở lại Anh và kháng cáo các phán quyết bất lợi.
NRM ra đời năm 2009 nhằm bảo vệ các nạn nhân của bọn buôn người. Cơ chế này sẽ xác nhận ai là nạn nhân và giới thiệu họ với các cơ quan của Chính phủ Anh để hỗ trợ, bảo vệ.
Bộ Nội vụ Anh lập luận đã có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở trên nên buộc phải sửa đổi. Chẳng hạn, một người di cư bị kết tội hiếp dâm đã nộp đơn kháng cáo với lý do anh ta là nạn nhân buôn người.
Trong lúc tại ngoại chờ phúc thẩm, người này lại gây ra một vụ hiếp dâm khác. Song chính cái "mác" nạn nhân giúp anh ta được ở lại Anh.
"Thật không công bằng khi các nạn nhân thực sự của chế độ nô lệ hiện đại có thể phải chờ lâu hơn để nhận được sự bảo vệ mà họ cần, bởi vì đang có sự lạm dụng trắng trợn", Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman nêu vấn đề ngày 30-1.
"Những thay đổi sắp có hiệu lực có nghĩa là nếu quý vị phạm tội, chúng tôi có quyền từ chối bảo vệ và trục xuất các vị ra khỏi đất nước của chúng tôi", bà Braverman nhấn mạnh.
Theo các biện pháp mới công bố, các chuyên viên của Bộ Nội vụ sẽ yêu cầu bằng chứng cho thấy một người là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, thay vì nghe lời nạn nhân.
Chẳng hạn họ có thể hỏi nhân viên một tổ chức từ thiện hoặc sĩ quan cảnh sát đã giúp giải cứu nạn nhân.
Hồi tháng 11 năm ngoái, nhà chức trách Anh đã nêu đích danh các nhóm tội phạm Albania đang lợi dụng NRM.
Nếu bị bắt vì làm việc trong các trang trại cần sa hoặc các doanh nghiệp tội phạm khác, những người di cư Albania được dặn phải nói rằng họ là nạn nhân của chế độ nô lệ thời hiện đại. Họ cũng được chỉ cách nộp đơn cho NRM để tiếp tục ở lại Anh.
Sau khi nhậm chức vào cuối tháng 10-2022, Bộ trưởng Braverman đã thể hiện quan điểm cứng rắn với nhập cư bất hợp pháp. Bà từng đề xuất đưa những người vượt biên trái phép đến Rwanda để tái định cư lâu dài nhưng bị tòa án phản đối.
"Cá nhân tôi quyết tâm trấn áp những kẻ lạm dụng lòng hảo tâm của công chúng Anh và coi thường đất nước này", nữ bộ trưởng 42 tuổi nhấn mạnh ngày 30-1.
Hàng trăm trẻ xin tị nạn ở Anh mất tích trong lúc chờ quyết định từ chính phủ nước này. Vụ việc đã khiến những người ủng hộ quyền trẻ em giận dữ.
Xem thêm: mth.87485939003103202-pahp-ihp-neyuhc-mal-iougn-noub-nahn-nan-iov-gnuc-hna/nv.ertiout