Thời gian gần đây, một tờ danh sách bao gồm các chủ nợ tiềm năng của sàn giao dịch tiền số FTX đã lộ diện. Các công ty được “xướng tên” bao gồm Amazon Web Services, Apple, Meta, LinkedIn, Twitter, Netflix và Adobe. Ngoài ra, trong cùng ngành tiền điện tử, một số công ty là chủ nợ của FTX còn có thể nhắc đến Coinbase, Binance, Yuga Labs, Doodles, BlockFi, Chainalysis và Silvergate Bank.
Chủ nợ của FTX?
Chưa hết, một số tờ báo lớn cũng bị liệt kê vào danh sách này như The Wall Street Journal, CoinDesk, Benzinga, Bloomberg và The New York Times. Hay thậm chí là các công ty hàng không American Airlines Group (AAL), Spirit Airlines (SAVE) và Southwest Airlines (LUV). Đại học Stanford - nơi cha mẹ của Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX làm giáo sư cũng được liệt kê trong danh sách gửi lên toà án.
Tờ SCMP trong bài báo mới nhất còn cho biết, trong bản danh sách, 50 tổ chức kinh tế lớn của Hồng Kông (Trung Quốc) cũng được xướng tên, bao gồm cả Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai (SFC) của thành phố này.
Hồng Kông (Trung Quốc)
Một tổ chức khác cũng có trong danh sách là The Executive Centre, nhà cung cấp không gian làm việc cao cấp hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Công ty này đã cung cấp một trong những văn phòng của FTX khi nó còn có trụ sở tại Hồng Kông. Một số nhà đầu tư mạo hiểm bao gồm Ausvic Capital và Chuang's China Capital cũng là cái tên được nhắc tới.
Tờ danh sách chủ nợ đã nộp lên toà án quận Delaware (Mỹ), được chỉnh sửa lại và lược khoảng 9,7 triệu cái tên bí ẩn khác.
Tuy nhiên, hiện nay, những cái tên “máu mặt” của kinh tế Hồng Kông vẫn chưa được xác minh là có khoản tiền nào bị nợ hoặc số tiền là bao nhiêu. Các luật sư cho biết, danh sách “dự định” liệt kê rất nhiều cái tên. Điều này cho thấy phạm vi tiếp cận của FTX, những ảnh hưởng mà cú sập của sàn giao dịch này đem lại chứ chưa có kết luận những tổ chức hay tập đoàn trong danh sách là những chủ nợ thực thụ.
Người phát ngôn của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) cho biết: “Chúng tôi lưu ý rằng danh sách này được biên soạn bởi một công ty tư vấn tài chính Mỹ. Nó có vài nghìn cái tên bao gồm nhiều cơ quan quản lý và cơ quan công quyền ở các khu vực pháp lý khác nhau. Chúng tôi không bình luận về lý do vì sao họ đưa HKMA vào danh sách này”.
Vào tháng 11 năm ngoái, trong buổi trình bày kết quả cho Quỹ trao đổi của Hồng Kông, Eddie Yue Wai-man, giám đốc điều hành của HKMA nói rằng quỹ này không đầu tư vào tiền điện tử. Và các cơ quan quản lý cũng đã đánh giá thấp tác động tiềm tàng từ vụ phá sản FTX tới thành phố này. Họ nói rằng bất kỳ sự tiếp xúc nào của các nhà quản lý quỹ dường như là “không quan trọng”.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai (SFC) Hồng Kông đã không trả lời bất cứ bình luận nào về việc tên mình xuất hiện trong tờ danh sách chủ nợ của FTX này.
Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai (SFC) Hồng Kông
Được biết, người dùng cá nhân trên sàn giao dịch FTX sẽ không xuất hiện trong danh sách. Dù tài liệu không làm rõ số tiền mà FTX nợ mỗi chủ nợ, nhưng có thông tin rằng sàn này đang nợ hơn 3,1 tỷ USD, trong đó nợ 10 chủ nợ hàng đầu số tiền lên tới 1,45 tỷ USD.
Đồng thời, cú sập của FTX đã “phơi bày” nhiều doanh nghiệp liên quan đến tiền điện tử ở Hồng Kông. Ví dụ, Genesis Block, một công ty ATM bitcoin đã ngừng giao dịch vào tháng trước hay Cottonwood Grove, một công ty con của Alameda Research, công ty thương mại “anh em” của FTX. Cả hai công ty đã chia sẻ cùng một địa chỉ và đều nằm trong danh sách chủ nợ.
Một công ty con của Huobi Global ở Hồng Kông - sàn giao dịch tiền điện tử được thành lập ở Trung Quốc cũng nằm trong danh sách. Vào tháng 11 năm ngoái, Hbit Limited, công ty con của Huobi cũng cho biết rằng họ có số tiền điện tử trị giá 18,1 triệu USD được ký gửi tại FTX.
Atom Asset Exchange (AAX) là một công ty Hồng Kông khác hiện không còn tồn tại trong danh sách chủ nợ. Nhưng những rắc rối của công ty bắt đầu ngay sau khi FTX phá sản và việc rút tiền bị đóng băng vào cuối tháng 11, năm 2022. Tháng trước, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hai người đàn ông có liên quan đến công ty này với cáo buộc lừa đảo 30 triệu USD.
BC Technology Group cũng lọt vào danh sách. Công ty được biết đến với OSL, nền tảng giao dịch tài sản số được cấp phép đầu tiên của Hồng Kông dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp vào tháng 12 năm 2020. OSL cho biết trong tháng này rằng họ đang có kế hoạch giảm khoảng 33% chi phí hoạt động “để đáp ứng các điều kiện thị trường hiện tại”.
OSL Hồng Kông
Sự sụp đổ của FTX đã giáng một đòn mạnh vào cộng đồng tiền điện tử của Hồng Kông ngay sau khi chính quyền thành phố này đưa ra cam kết sẽ có nhiều quyết định mới nhằm thúc đẩy ngành tài sản điện tử vào cuối tháng 10 năm ngoái.
FTX từng là sàn giao dịch lớn, được ví như “chiến mã tiền số” của thời đại mới. Sam Bankman-Fried là người sáng lập sàn giao dịch này. Anh từng là một trong những người tạo nên sự bùng nổ của Bitcoin và các tài sản số khác. Trong thời kỳ đỉnh cao, anh từng sở hữu khối tài sản ròng trị giá 26 tỷ USD và trở thành một trong những tỷ phú tiền điện tử giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, năm vừa qua, Bankman-Fried đã bị buộc tội lấy cắp hàng tỷ USD tiền gửi của khách hàng trên sàn giao dịch tiền số của mình để dùng cho quỹ phòng hộ Alameda Research, mua nhiều bất động sản và đóng góp hàng triệu USD vào các hoạt động chính trị. Toàn bộ hành vi đều là phạm pháp và chưa có sự đồng ý của khách hàng. Và trên thực tế, nếu bị buộc tội với tất cả các tội danh, Sam Bankman-Fried có thể phải nhận mức án lên đến 115 năm tù.
Tổng hợp