Năng lượng: Giá dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu quay đầu giảm do các dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu mạnh mẽ của Nga bù cho số liệu kinh tế tăng trưởng tốt hơn dự kiến của Mỹ, lợi nhuận tinh chế sản phẩm chưng cất mạnh và hy vọng sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng tại Trung Quốc.
Cụ thể, chốt phiên 27/1, dầu Brent giảm 81 US cent (-0,9%) xuống 86,66 USD/thùng và cả tuần chỉ tăng 3 US cent. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,33 USD (-1,6%) xuống 79,68 USD/thùng và giảm 2% trong tuần.
Theo tính toán của Reuters và các thương nhân, lượng dầu xuất từ các cảng Baltic của Nga có thể tăng 50% trong tháng 1 so với tháng liền trước, do người bán đang cố gắng đáp ứng nhu cầu tại châu Á và hưởng lợi từ giá năng lượng toàn cầu đang tăng. Ngoài ra, việc chốt lãi trước khi nghỉ cuối tuần cũng có thể khiến giá giảm.
Các thành viên của OPEC+ sẽ nhóm họp vào tuần tới để đánh giá mức sản lượng dầu thô với dự báo chính sách sản lượng hiện nay không đổi.
Quyết định về lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được thực hiện tại cuộc họp vào ngày 31/1 và 1/2/2023 trong bối cảnh lạm phát giảm và GDP trong quý IV/2022 tăng 2,9%, cao hơn dự kiến.
Tồn kho tại Cushing tăng 4,2 triệu thùng trong tuần cũng gây áp lực lên thị trường.
Tại Trung Quốc, các trường hợp mắc bệnh trầm trọng do Covid-19 đã giảm 72% so với mức đỉnh đầu tháng này, trong khi số người tử vong hàng ngày tại bệnh viện đã giảm 79% so với mức đỉnh, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bình thường hóa và thúc đẩy dự đoán nhu cầu dầu phục hồi.
Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 6 liên tiếp; đồng, nhôm, sắt, thép cũng tăng
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng ổn định với chiều tăng bị hạn chế bởi USD mạnh lên, nhưng kim loại quý này vẫn thiết lập tuần tăng thứ 6 liên tiếp trước quyết định tăng lãi suất của Fed trong tuần này.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.931,61 USD/ounce, từ mức tăng mạnh trước đó trong phiên sau khi số liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ giảm trong tháng 12/2022, ngay cả khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi tăng 0,3% so với tháng trước. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2023 không đổi tại mức giá 1.930,2 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng 0,2%.
Thị trường vẫn tốt cho vàng do một cuộc suy thoái sẽ có xu hướng tăng giá và vàng có thể vẫn tăng giá trong một môi trường lãi suất tăng ít hơn.
Chỉ số USD tăng 0,1% khiến vàng ít thu hút với người mua bằng ngoại tệ khác.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, trong phiên 27/1, giá đồng tăng do lo ngại về nguồn cung tăng lên nhưng đà tăng bị hạn chế bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần tại Trung Quốc - quốc gia tiêu dùng hàng đầu, khiến hoạt động thị trường và nhu cầu kim loại giảm.
USD yếu và hy vọng nhu cầu của Trung Quốc mạnh lên sau khi quốc gia này bỏ chính sách Zero Covid đã đẩy giá đồng tăng hơn 20% kể từ tháng 11/2022, nhưng giá tăng không đáng kể từ khi các thị trường Trung Quốc đóng cửa.
Cụ thể, giá đồng giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,5% lên 9.358 USD/tấn. Giao dịch trầm lắng khi các thị trường tại Ấn Độ, Úc và Trung Quốc đóng cửa.
Lo sợ gián đoạn nguồn cung tại nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới Chile và Peru đã bổ sung những lo ngại rằng, nhu cầu tăng thêm từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể gây căng thẳng cho thị trường vốn đã thắt chặt.
Freeport-McMoRan Inc, công ty đang điều hành 7 mỏ tại Mỹ cũng cảnh báo rằng, việc khó khăn tìm công nhân đang hạn chế sản lượng đồng.
Tuy nhiên, Công ty Cochilco của Chile dự đoán toàn cầu dư thừa 160.000 tấn đồng trong năm 2023 và 360.000 tấn trong năm 2024, trong khi nâng dự báo giá đồng của họ trong năm 2023 lên 3,85 USD/lb (khoảng 8.490 USD/tấn).
Các kim loại khác cũng có sự thay đổi về giá, với giá kẽm tăng 1,6% lên 3.503,5 USD/tấn sau khi chạm mức 3.512 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 8/2022. Tồn kho tại các kho London có đăng ký ở mức 18.625 tấn, giảm hơn 90% so với tháng 4/2021 và là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Sau khi tăng trong 4 phiên trước đó, giá nhôm giảm 0,7% xuống 2.639 USD/tấn sau khi dự trữ trong hệ thống kho London tăng 40.200 tấn lên mức 419.425 tấn.
Giá chì tăng phiên thứ 3 liên tiếp (+1,8%) lên 2.198,50 USD/tấn và giá nikel tăng 0,4% lên 29.300 USD/tấn. Giá thiếc tăng 4,5% lên 32.240 USD/tấn sau khi đạt 32.400 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Đối với quặng sắt, giá tăng nhẹ 0,57% lên 126,3 USD/tấn. Giá của kim loại được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc vẫn tăng đều đặn bất chấp tuần nghỉ lễ. Diễn biến giá tiếp tục phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc nhu cầu tiêu thụ sắt thép tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ sau kỳ nghỉ.
Nông sản: Đồng loạt tăng giá
Giá đậu tương của Mỹ giảm trong phiên 27/1 do dự đoán mưa gần đây tại Argentina thúc đẩy triển vọng mùa màng từ nhà xuất khẩu Nam Mỹ chủ chốt này. Cụ thể, đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 14 US cent xuống 15,09-1/2 USD/bushel.
Lúa mì diễn biến trái chiều với lúa mì mềm đỏ vụ đông trên Sàn Chicago giảm do điều chỉnh sau khi ghi nhận mức tăng hàng tuần mạnh nhất trong 4 tuần. Tuy nhiên, các hợp đồng lúa mì có nguồn cung protein cao vẫn tăng, được hỗ trợ bởi lo ngại về đợt lạnh tại khu vực đồng bằng của Mỹ gây thiệt hại cho mùa vụ và lo lắng xung đột Nga - Ukraine leo thang có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung từ các cảng Biển Đen. Cụ thể, lúa mì kỳ hạn tháng 3 giảm 2-1/2 US cent xuống 7,5 USD/bushel; lúa mì cứng đỏ vụ đông cùng kỳ hạn tăng 4-1/4 US cent lên 8,69 USD/bushel.
Ngô tăng do hy vọng nhu cầu tăng. Cụ thể, ngô CBOT giao tháng 3 tăng 1/2 US cent lên 6,83 USD/bushel.
Tính chung cả tuần, lúa mì mềm đỏ vụ đông tăng 1,1%; ngô tăng 1% và đậu tương tăng 0,2%.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường, cà phê và cao su cùng giữ giá
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên 27/1 tăng 0,28 US cent (+1,4%) lên 20,96 US cent/lb, từng đạt mức cao nhất 1 tháng tại 21,03 US cent/lb trước đó trong phiên. Hợp đồng này tính chung cả tuần tăng 6,3%. Đường trắng cùng kỳ hạn tăng 7,4 USD (+1,3%) lên 562,4 USD/tấn và tăng 2,9% trong tuần.
Giá đường tăng gần đây được thúc đẩy một phần bởi các quỹ mua vào, cùng với dự đoán giảm sản lượng đường tại Maharashtra, bang sản xuất hàng đầu của Ấn Độ, có thể hạn chế xuất khẩu từ nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới. Việc thay đổi chính sách nhiên liệu của Brazil có thể thúc đẩy sản lượng ethanol thay cho đường ở quốc gia trồng trọt hàng đầu thế giới này.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 2,75 US cent (+1,6%) lên 1,699 USD/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 3 tuần tại mức 1,7030 USD/lb. Hợp đồng này ghi nhận tuần tăng 9,7%. Cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng 59 USD (+3%) lên 2.053 USD/tấn, trước đó đã đạt đỉnh 3 tháng tại 2.057 USD/tấn.
Các đại lý cà phê cho biết, thị trường lấy lại đà tăng sau khi chạm mức thấp nhất 1,5 năm tại 1,4205 USD/lb trong ngày 11/1, nhưng lo ngại vẫn còn về triển vọng nhu cầu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7/2023 trên Sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,5 JPY (-0,2%) xuống 235,5 JPY (1,81 USD)/kg, trong phiên từng đạt mức giá 238,3 JPY/kg - cao nhất kể từ ngày 11/10/2022. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng khoảng 3,2%.
Giá cao su Nhật Bản có tuần tăng thứ 4 liên tiếp do triển vọng phục hồi kinh tế tại Trung Quốc đã thúc đẩy tâm lý nhu cầu, bất chấp giá giảm nhẹ trong phiên cuối tuần.
Giá tiêu dùng cơ bản tại Tokyo - một chỉ số hàng đầu về xu hướng trên toàn quốc, đã tăng 4,3% trong tháng 1 so với một năm trước, đánh dấu mức tăng một năm nhanh nhất trong gần 42 năm và khiến ngân hàng trung ương chịu áp lực phải loại bỏ dần các biện pháp kích thích kinh tế.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn) |