Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hàng năm, tiền gửi tại các nhà băng thường giảm trong tháng 12 và bật tăng mạnh vào tháng 1, tháng 2. Nhiều ngân hàng từ trước Tết đã rục rịch cho ra các chương trình ưu đãi để hút tiền người dân, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân.
Tuy nhiên, theo khảo sát, bước vào tuần làm việc mới sau Tết Quý Mão, trong khi lãi suất nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) chưa có điều chỉnh thì không ít ngân hàng tư nhân đã hạ 0,1-1% lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn. Khách hàng cũng được yêu cầu nhiều điều kiện hơn để được cộng lãi suất hay hưởng mức lãi suất cao nhất.
Hàng loạt đơn vị điều chỉnh lãi suất huy động có thể kể đến như Techcombank, Sacombank, PVCombank, Saigonbank, BaoVietBank, OceanBank, DongABank, BacABank, Viet Capital Bank… Mức lãi suất cao nhất của các ngân hàng này trước đó trong khoảng 9,2-10,2%/năm nay đã hạ xuống phổ biến trong khoảng 8,5-9,2%/năm.
Còn tại nhóm ngân hàng Big 4 là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất tại quầy với kỳ hạn 12 tháng đồng loạt là 7,4%/năm còn gửi online cao nhất là 8,2%/năm.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính, nhận định việc điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động có thể một phần do dòng tiền của khách hàng đã quay trở lại.
Những năm trước, giai đoạn quý IV có yếu tố mùa vụ là Tết, các nhà băng thường niêm yết lãi suất cao để "hút" dòng tiền trong bối cảnh doanh nghiệp tập trung vốn kinh doanh, trả lương người lao động…, người dân cũng dự trữ tiền mặt chi tiêu dịp Tết.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, riêng tháng 11/2022, khách hàng gồm người dân, các tổ chức kinh tế đã gửi gần 127.000 tỷ đồng vào ngân hàng. Trong đó, người dân gửi gần 84.600 tỷ đồng. Tháng 10 liền trước, người dân cũng gửi 21.500 tỷ đồng.
"Sau đó, lãi suất thường được điều chỉnh giảm", ông Độ nhận định.
Ông Độ cho rằng, việc hạ lãi suất đầu vào đã góp phần giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất đầu ra theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước năm 2023 là tiếp tục giảm lãi vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Dự báo về mức lãi suất huy động năm 2023, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh lạm phát đạt đỉnh vào tháng 1, kinh tế chưa phục hồi mạnh nên cầu tín dụng giảm đi...
"Dù vậy, lãi suất sẽ giảm dần suốt cả năm chứ khó có thể giảm mạnh. Ngoài ra, nhiều yếu tố tác động đến kinh tế không thể dự báo trước và nhu cầu tín dụng vào sản xuất kinh doanh giảm song tín dụng vào bất động sản vẫn sẽ tăng cao", ông nói thêm.
Các chuyên gia ở một số công ty chứng khoán từ trước đó cũng dự báo mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ có xu hướng giảm dần trong năm nay, nhất là từ nửa cuối năm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2023 cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
VTV.vn - Riêng tháng 11/2022, người dân gửi gần 84.600 tỷ đồng vào ngân hàng, tương ứng mỗi ngày gửi hơn 2.800 tỷ đồng, tăng 8,3% so đầu năm trong bối cảnh lãi suất ở mức cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.665944103103202-iug-neit-taus-ial-ah-gnah-nagn-taol-gnah-tet-uas/et-hnik/nv.vtv