vĐồng tin tức tài chính 365

Ba 'Hòa Thân thời đại mới' trong đại án tham ô ở ngân hàng

2023-01-30 18:46

17h10 ngày 16/4/2004, chuyến bay quốc tế CA986 từ San Francisco hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Chiếc Air China 747 đậu ngay trên đường băng, được các quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) chờ sẵn bên đường băng.

Một người đàn ông 41 tuổi, vẻ ngoài bảnh bao bước ra khỏi máy bay, ngay lập tức bị khóa tay bằng còng số 8. Ông ta là Dư Chấn Đông, cựu giám đốc Ngân hàng Trung Quốc (BOC) tại chi nhánh Khai Bình, tỉnh Quảng Đông. Cùng với hai người tiền nhiệm, ông ta bị cáo buộc biển thủ gần 500 triệu USD, giai đoạn 1993-2001 (gần một tỷ USD ngày nay), sau đó bỏ trốn qua Mỹ, bị Trung Quốc gửi truy nã đỏ tới Interpol.

Vụ đại án gây chấn động Trung Quốc và thế giới 20 năm trước, trở thành vụ án tham nhũng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, năm 1949.

Dư Chấn Đông là quan chức tham nhũng chạy trốn đầu tiên được Mỹ trao trả cho Trung Quốc, được truyền thông nước này mệnh danh "Hòa Thân thời đại mới".

Dư Chấn Đông khi bị dẫn độ về Trung Quốc, ngày 16/4/2004. Ảnh: QQ

Dư Chấn Đông khi bị dẫn độ về Trung Quốc, ngày 16/4/2004. Ảnh: QQ

Sinh năm 1962 ở Quảng Đông, tuy gia đình không giàu có nhưng con đường đến trường của Đông rất suôn sẻ, học hành ưu tú, thi đâu đỗ đó. Những năm 1980, việc có người đỗ đại học vẫn là sự kiện trọng đại với cả một xã, thậm chí một huyện. Đông nằm trong số đó, trở thành niềm tự hào của dòng họ, địa phương.

Năm 1982, Đông tốt nghiệp đại học ngành tài chính, lấy bằng xuất sắc. Theo chính sách quốc gia lúc bấy giờ, sinh viên tốt nghiệp đại học đều được nhà nước bố trí công việc, ông ta cũng đã trúng tuyển vào chi nhánh Khai Bình của Ngân hàng Trung Quốc trong cùng năm.

Trẻ trung tích cực trong công việc, tư chất vượt trội giúp Đông dần thăng tiến, chỉ vài năm sau đã làm giám đốc. Công việc hằng ngày tiếp xúc với tiền, vị trí càng cao khiến Đông dần biến chất.

Các ngân hàng ngày nay sử dụng hệ thống máy tính, có kiểm duyệt theo ngày, thậm chí theo giờ, khiến các sai phạm, tham ô tiền gửi dễ bị phát hiện ngay trong ngày. Nhưng vào những năm 1990, sự trong sạch của hệ thống ngân hàng, hầu như chỉ dựa vào đạo đức của nhân viên và lãnh đạo.

Không may cho BOC Khai Bình, giám đốc của họ không phải là người như vậy. Đông bị cáo buộc cùng 2 giám đốc tiền nhiệm chuyển hơn 3 tỷ nhân dân tệ từ ngân hàng đến các tổ chức tiền tệ ngầm và sử dụng các biện pháp rửa tiền để gửi tiền vào tài khoản ở nước ngoài.

Sau khi bí mật thực hiện những động thái này, Đông vẫn bình tĩnh lạ thường, đến công sở từ 9h đến 17h, chỉ đạo công việc. Trong mắt các nhân viên ngân hàng, ông ta vẫn là con người dịu dàng và tinh tế, một nhà lãnh đạo giỏi, nghiêm túc và có trách nhiệm với công việc và quan tâm đến cấp dưới.

Ngày 12/10/2001, để tăng cường quản lý, BOC đã hợp nhất 1.040 trung tâm máy tính trên toàn quốc thành một hệ thống và tập trung tại 33 trung tâm. Ngay khi được kết nối Internet, trung tâm máy tính đã phản ánh khoản thâm hụt 80 triệu USD trong tài khoản, con số này nhanh chóng tăng vọt lên 485 triệu.

Con số quá lớn đến nỗi ban đầu nhân viên nghĩ rằng đó là một trục trặc kỹ thuật trong hệ thống máy tính. Sau nhiều lần tính toán lại, kết luận vẫn vậy.

Thông qua việc phân tích các tài khoản, phạm vi tội phạm dần dần được thu hẹp, đầu tiên tập trung ở tỉnh Quảng Đông, sau đó được xác định ở BOC thành phố Khai Bình, chi nhánh của BOC thành phố Giang Môn. Cùng lúc đó, Đông cùng hai giám đốc tiền nhiệm, Hứa Quốc Tuấn và Hứa Siêu Phàm, đột ngột biến mất.

BOC Quảng Đông ngay lập tức giảm thẩm quyền của các chi nhánh cấp quận và cắt đứt tất cả các kênh chuyển tiền trực tiếp và chuyển tiền ra nước ngoài từ các ngân hàng cơ sở. 3h sáng 15/10/2001, BOC Quảng Đông chính thức báo cáo vụ việc cho Đội Điều tra Kinh tế của Công an tỉnh Quảng Đông. Các sai phạm được phát hiện tại BOC chi nhánh Khai Bình, trở thành tin tức chấn động quốc gia.

Ngay sau Tết nguyên đán 2002, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương huy động 700 nhân viên thuộc Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Trung ương để thành lập một đoàn điều tra khổng lồ, đóng tại Khai Bình. Chân tướng vụ đại tham nhũng dần hé lộ.

Tháng 11/2001, Thủ tướng Chu Dung Cơ sau khi đọc tài liệu báo cáo vụ án vô cùng tức giận. Các tờ báo lớn nhất Trung Quốc khi đó đều lấp đầy 2 trang nhất bằng toàn văn chỉ đạo của ông, yêu cầu ưu tiên điều tra nghiêm khắc vụ án của BOC Khai Bình. Cùng tháng, Bộ Công an Trung Quốc phát thông báo đỏ thông qua Interpol.

'Đại Hòa Thân' đứng sau kế hoạch tham ô

Hứa Siêu Phàm trở thành Giám đốc BOC Khai Bình từ những năm 1980, khi mới 30 tuổi. Bắt đầu từ năm 1993, ông ta đã lợi dụng chức vụ của mình để thực hiện các giao dịch ngoại hối với danh nghĩa là khách hàng, dưới hình thức mua và bán thay cho khách hàng. Phàm nghiện cờ bạc, từng thua hơn 60 triệu nhân dân tệ trong 4 giờ tại một sòng bạc ở Macau.

Cùng với Dư Chấn Đông, khi đó còn là phó giám đốc BOC Khai Bình và Hứa Quốc Tuấn, giám đốc công ty con, Hứa Siêu Phàm liên tiếp vay hàng trăm triệu nhân dân tệ từ tài khoản ngân hàng, chuyển chúng ra ngoài dưới danh nghĩa cho vay và chuyển chúng cho một công ty ma tại Hong Kong.

Từ trái qua: Quân, Phàm và Đông trong một sự kiện của BOC Khai Bình. Ảnh: QQ

Từ trái qua: Quân, Phàm và Đông trong một sự kiện của BOC Khai Bình. Ảnh: QQ

Sau đó, khi Hứa Siêu Phàm được thăng tiến lên giám đốc BOC tỉnh Quảng Đông, Dư Chấn Đông và Hứa Quốc Tuấn lần lượt kế vị ông trong vai trò Giám đốc BOC Khai Bỉnh. Cả ba thông đồng bao che cho nhau, chuyển 485 triệu USD ra nước ngoài trong 9 năm, 1993-2001.

Khi hệ thống máy tính được kết nối, Hứa Siêu Phàm sớm nắm được thông tin BOC đã phát hiện ra một lỗ hổng tài chính lớn và toàn bộ hệ thống ngân hàng toàn quốc đang bị điều tra. Ông ta ngay lập tức gọi cho hai đồng bọn, Tuấn và Đông. Tối hôm sau, 13/10/2001, cả ba trốn sang Hong Kong, sau đó bay đến Canada, rồi dừng tại Mỹ,

Trên thực tế, cả ba đã mở sẵn "đường chạy" cho mình và gia đình. Ngay từ năm 1994, 3 người vợ của họ đã đệ đơn ly hôn giả, sau đó kết hôn giả với một công dân Mỹ để lấy thẻ xanh. Sau đó, các bà vợ đã giúp ba kẻ trốn truy nã này lấy được thẻ xanh thông qua việc ly hôn người chồng Mỹ và tiếp tục tái hôn với họ.

Năm 1997, Phàm, Tuấn và Đông cũng đến Hong Kong với giấy tờ tùy thân giả và lấy hộ chiếu Hong Kong giả. Tháng 5/2001, cả ba lại xin thị thực Mỹ. Vào tháng 10 cùng năm, sau khi cả ba trốn sang Mỹ thành công, họ tái hôn cùng vợ cũ, chính thức trở thành công dân Mỹ.

Bắt đầu từ tháng 11/2001, Trung Quốc phối hợp điều tra với Mỹ. Sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành lệnh bắt giữ trên toàn quốc. Cùng thời gian này Bộ Tư pháp Trung Quốc đã đưa ra hai yêu cầu tương trợ tư pháp đối với Mỹ và Canada, đồng thời ngay lập tức đóng băng tất cả tài khoản ngân hàng mạo danh của ba người.

Theo các báo cáo, ngay sau khi đặt chân đến Mỹ, Phàm và hai đồng bọn đã ngay lập tức đến Las Vegas để đánh bạc cả ngày lẫn đêm. Trước đó, họ cũng đã chuyển một số tiền rất lớn vào nhiều tài khoản ở Mỹ, Canada và Hong Kong, Trung Quốc, trong đó có một số tài khoản được cất vào tài khoản VIP của sòng bạc, số tiền này không rút được mà chỉ rút được qua tiền đánh bạc, với mục đích rửa tiền đen. Tuy nhiên, họ sớm phát hiện ra rằng tất cả số tiền trong sòng bạc hoặc các tài khoản khác đã bị đóng băng.

Ba gia đình tội phạm chỉ có thể che giấu danh tính và lên đường trốn thoát riêng rẽ tại các thành phố hẻo lánh của nước Mỹ.

'Tiểu Hòa Thân' trở thành con cá đầu tiên sa lưới

Tháng 12/2002, Văn phòng công tố bang Nevada của Mỹ đã ban hành lệnh bắt giữ ba tội phạm Trung Quốc bỏ trốn. Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ đã mời Dư Chấn Đông làm thủ tục nhập cảnh vào ngày 19/12 và bị bắt tại Los Angeles vì nghi ngờ lấy visa bằng cách gian lận.

Chính phủ Trung Quốc và Mỹ đã tiến hành đàm phán hơn một năm. Trong thỏa thuận nhận tội, cơ quan truy tố hình sự Mỹ yêu cầu Đông hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung Quốc Đại lục và Đặc khu Hành chính Hong Kong.

Tháng 2/2004, Đông bị xét xử tại Tòa án Liên bang Las Vegas, bị truy tố 5 tội danh, song chỉ bị kết án 12 năm tù với một tội danh Lừa đảo.

Đông không kháng cáo, tự nguyện hồi hương để hầu tòa trong vụ án tham nhũng tại BOC. Để giải quyết thành công vấn đề hồi hương của bị cáo, năm 2003, Trung Quốc đã có văn bản cam kết với Mỹ: nếu Đông bị truy tố ở Trung Quốc, bản án sẽ không quá mức án của Tòa án Las Vegas đã tuyên, 12 năm.

Ngày 16/4/2004, Đông bị đưa trở lại Trung Quốc, trở thành tội phạm kinh tế lớn đầu tiên được dẫn độ, trong 25 năm kể từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông ta được các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ áp giải đến Trung Quốc.

Vợ của Đông cũng chọn hợp tác với bên công tố, sau khi nhận tội Nhập quốc tịch Mỹ bất hợp pháp, quốc tịch Mỹ và tư cách thường trú của bà ta đã bị thu hồi, nhưng được phép ở lại Mỹ với ba đứa con nhỏ.

Ngày 31/3/2006, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông tuyên Đông 12 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản.

Tháng 9 và tháng 10/2004, vợ chồng Tuấn và Phàm cũng lần lượt bị bắt tại Mỹ. Tài sản của Phàm và Tuấn khi bị tịch thu, niêm phong tại Mỹ gồm: 3 bất động sản ở Canada, hàng trăm nghìn USD tiền mặt, hàng chục nhẫn kim cương, nhẫn vàng, dây chuyền kim cương, hàng chục chiếc đồng hồ xa xỉ trị giá hàng trăm nghìn USD mỗi chiếc.

Hứa Siêu Phàm bị dẫn độ về Trung Quốc ngày 11/7/2018sau 17 năm bỏ trốn. Ảnh: Xinhua

Hứa Siêu Phàm bị dẫn độ về Trung Quốc ngày 11/7/2018 sau 17 năm bỏ trốn. Ảnh: Xinhua

Tháng 5/2009, Tòa án Liên bang Las Vegas đã kết án Phàm 25 năm và Tuấn 22 năm tù vì rửa tiền, chuyển tiền liên bang và trộm cắp tiền, cũng như gian lận hộ chiếu và thị thực, đồng thời ra lệnh cho các bị cáo hoàn trả hàng tỷ nhân dân tệ thu lợi bất chính. Vợ của họ cũng bị kết án 8 năm tù.

Song trái với Đông, Tuấn và Phàm đều từ chối quay trở lại Trung Quốc, kháng cáo lên tòa án Mỹ, và Phàm thậm chí còn bắt đầu tự học luật Mỹ. Ngày 24/9/2015, vợ của ông ta bị cưỡng chế trục xuất về Trung Quốc ngay sau khi thụ án tại Mỹ.

Điều này là một đòn giáng nặng nề vào Phàm, người từng hy vọng được ở lại Mỹ sau khi mãn hạn tù.

Dưới áp lực mạnh mẽ và chính sách hợp tác thực thi pháp luật Trung - Mỹ, Phàm cuối cùng đã chấp nhận thỏa thuận hồi hương. Tháng 11/2015, Phàm bày tỏ bằng văn bản rằng anh ta sẵn sàng trở lại Trung Quốc để xét xử. Ngày 11/7/2018, sau 17 năm lẩn trốn, "đại Hòa Thân" trong vụ án tham nhũng chấn động đã bị cưỡng chế hồi hương.

Ba năm sau, ngày 25/2/2021, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông xét xử sơ thẩm vụ án. Bản án tuyên, từ năm 1993, Phàm đã lợi dụng chức vụ giám đốc BOC Khai Bình và giám đốc bộ phận kinh doanh của BOC Quảng Đông để thông đồng với Tuấn và Đông, chiếm đoạt tiền ngân hàng và chiếm dụng tiền trả nợ của công ty bằng cách xử lý các khoản vay sai, chuyển trực tiếp và các phương tiện khác để biển thủ công quỹ gần 500 triệu USD.

Ngày 13/10, Tòa kết án Phàm 13 năm tù và 2 triệu nhân dân tệ. Ông ta kháng cáo.

Sau đó tròn một tháng, ngày 14/11/2021, Hứa Quốc Tuấn trở thành tên "Hòa Thân thời đại mới" cuối cùng bị cưỡng chế dẫn độ về Trung Quốc, đợi xét xử, khép lại vụ án kéo dài tròn hai thập kỷ.

Hải Thư (Theo Ifeng, Sohu, Sina, Henan, CCTV)

Xem thêm: lmth.6493654-gnah-nagn-o-o-maht-na-iad-gnort-iom-iad-ioht-naht-aoh-ab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ba 'Hòa Thân thời đại mới' trong đại án tham ô ở ngân hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools