Huy động vượt trội và nền tảng vốn vững chắc
Quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank, sau các đợt tăng vốn lớn, đã chính thức cán mốc hơn 103.000 tỉ tại thời điểm cuối năm 2022. Vốn điều lệ của VPBank đạt hơn 67.000 tỉ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Giá trị vốn hóa của ngân hàng, tại thời điểm cuối năm ngoái đã tăng tốc lên 120.000 tỉ đồng, giữ vững vị trí ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa lớn nhất Việt Nam.
Trong khi đó, huy động từ tiền gửi khách hàng tại ngân hàng riêng lẻ tăng gần 30% so với cuối năm 2021, đóng góp lớn từ khối khách hàng cá nhân (RB) và khối khách hàng SME (tăng 43%).
Song song với nguồn vốn nội, uy tín của VPBank trên trường quốc tế tăng cao đã giúp ngân hàng huy động thành công hơn 1 tỉ USD từ các tổ chức tài chính toàn cầu. Nhờ đó VPBank đã đa dạng hóa nguồn vốn cho vay trung và dài hạn và bảo toàn các tỉ lệ an toàn thanh khoản. Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo Basel II đạt gần 15%, nằm trong top dẫn đầu thị trường.
Nhờ các nỗ lực gia cố nền tảng vốn và tăng cường huy động trong năm 2022, VPBank ghi nhận tín dụng tăng trưởng vượt trội, đạt gần 31% tại ngân hàng mẹ. Động lực tăng trưởng chính đến từ hai khối chiến lược RB và SME - ghi nhận mức tăng 37% so với năm ngoái. Qua đó, ngân hàng này đã đảm bảo cung ứng nguồn vốn cần thiết cho thị trường.
Tỉ trọng nguồn thu phí ngày càng tăng
Kết thúc năm 2022, thu nhập hoạt động tại ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 40.000 tỉ đồng, với động lực đóng góp chính đến từ thu nhập phí tăng mạnh 64% so với năm 2021, trong đó phải kể tới hoạt động thanh toán, ngân quỹ và POS; dịch vụ bảo hiểm và cấu phần thẻ. Đáng chú ý, tỉ trọng thu nhập ngoài lãi trên thu nhập hoạt động của VPBank tiếp tục tăng dần đều trong 5 năm qua.
Dù thu từ phí đạt kết quả khả quan và tín dụng tăng trưởng mạnh, nhưng 2022 vẫn là một năm thách thức của nền kinh tế với nhiều lĩnh vực tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt ở phân khúc tài chính tiêu dùng. Trong khó khăn chung, với chiến lược phát triển bền vững và sứ mệnh "Vì một Việt Nam thịnh vượng", VPBank đã ưu tiên cho tăng trưởng ổn định, an toàn và bền vững, đi đôi với việc tích cực hỗ trợ khách hàng phục hồi.
Cụ thể, ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi, có tổng giá trị 7.000 tỉ đồng với mức giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý. Song song với đó là các chương trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động trách nhiệm xã hội trên khắp cả nước.
Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất tăng 48% so với năm trước. Trong đó, tại ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỉ đồng với các chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3,7%, 25,6% và 19,3%.
Hệ sinh thái đa tầng
Hậu thuẫn ngân hàng đạt các kết quả kinh doanh khả quan nói trên là sức mạnh của hệ sinh thái đa tầng và công nghệ số.
Theo đó, thông qua công nghệ, hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính số đã trở thành trụ cột sinh lời, giúp ngân hàng tối ưu hóa nguồn thu. Trong đó, ứng dụng cần phải kể là VPBank NEO - ngân hàng số - đã giúp VPBank thu hút thêm hơn 2 triệu khách hàng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Ứng dụng này đạt tổng 5,2 triệu khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng sau hơn 2 năm ra mắt. Số lượng giao dịch trên nền tảng VPBank NEO và VPBank NEOBiz đã đạt hơn 230 triệu giao dịch, tăng 86% so với 2021.
Bên cạnh đó, việc mở rộng hệ sinh thái với sự tham gia của OPES và VPBankS trong mảng bảo hiểm và chứng khoán trong năm 2022 hứa hẹn sẽ giúp VPBank đa dạng hóa nguồn thu, lấn sân sang các lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển như bảo hiểm phi nhân thọ, ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản…
Với nguồn vốn quốc tế mới được huy động, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) một lần nữa khẳng định uy tín của mình trên trường thế giới, đồng thời có thêm nguồn lực để cho vay, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Xem thêm: mth.24545748103103202-iort-touv-ihp-ut-uht-av-gnud-nit-gnourt-gnat-knabpv-2202-man/nv.ertiout