Chiều 30-1, ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết EU vừa có thông báo sửa đổi quy định 2019/1793 về việc tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.
Theo đó, EU yêu cầu đối với một số mặt hàng của Việt Nam như sau: với mì ăn liền có chứa gia vị/bột nêm hoặc nước sốt, và quả thanh long - tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật là 20%.
Đối với đậu bắp và ớt chuông thuộc giống Capsicum - duy trì tần suất kiểm tra là 50%. Riêng đậu bắp sản xuất tại Việt Nam bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II, với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật do phía Việt Nam cấp.
So với quy định 2022/913 ngày 30-5-2022, bốn sản phẩm gồm mùi tây (parsley), rau mùi (coriander leaves), húng quế (basil), bạc hà (mint) của Việt Nam không còn bị EU áp dụng các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp. Trước đó, bốn rau gia vị này bị áp dụng tần suất kiểm tra 50% tại cảng.
Theo quy định 2023-174, sản phẩm mì ăn liền của Hàn Quốc và Việt Nam đều chịu tần suất kiểm tra là 20%. Ớt chuông của Uganda, Sri Lanka, Dominica và Việt Nam chịu tần suất kiểm tra là 50%.
Định kỳ 6 tháng một lần, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu (EC) họp để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU.
Sau đó, EU sẽ thông báo những thay đổi trong quy định về các biện pháp kiểm soát.
Ở lần công bố vào ngày 13-6-2022, EU đã đưa các sản phẩm của Việt Nam như bún, miến, phở khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo phụ lục II.
Những quy định mới, theo thông lệ của EU, sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng.
TTO - Có một nghịch lý đau lòng: từ quả xoài cho đến gói mì nếu xuất khẩu ra nước ngoài đều được kiểm soát rất chặt, trong khi đó thực phẩm cho người dân mình ăn bán ở các chợ đầu mối mỗi khi công bố là "rùng mình". Sao vậy?