Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, một số ngành sử dụng nhiều lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ... tiếp tục gặp khó khăn. Dự báo còn thiếu đơn hàng đến hết quý I/2023, thậm chí sang cả quý II, do đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động.
Các công ty đã có sự chủ động, chuẩn bị đầy đủ các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân, lao động đi làm lại sau Tết.
Như tại Công ty CP Dụng cụ Cơ khí xuất khẩu (Đông Anh, TP Hà Nội), gần 1.000 lao động của công ty này đã quay lại nhà máy sau kỳ nghỉ tết kéo dài. Năm 2022, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song lương thưởng của người lao động vẫn tăng 10% so với năm trước. Để tạo động lực cho người lao động, bên cạnh tiền lương, công ty còn chi trả trực tiếp tiền mặt 500.000 đồng/ngày cho người lao động trong ngày đi làm đầu tiên và hỗ trợ đưa, đón người lao động ở xa trở lại nhà máy.
Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, một số ngành sử dụng nhiều lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ... tiếp tục gặp khó khăn (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên việc ổn định tình hình lao động sau Tết luôn là bài toán nan giải. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn đối diện với những khó khăn do thiếu đơn hàng, đặc biệt với những doanh nghiệp dệt may da giầy. Bởi những tháng đầu năm vốn là mùa thấp điểm, do ảnh hưởng của đại dịch, mức tiêu thụ hàng hóa của thế giới suy giảm mạnh khiến đơn hàng về Việt nam càng ít. Nhiều doanh nghiệp đang phải dùng Quỹ dự phòng để duy trì lương, giữ chân người lao động nhưng nguồn quỹ cũng đang dần cạn kiệt.
"Trong quý I cũng như quý II/2023, số lao động bị cắt giảm do thiếu đơn hàng được kỳ vọng sẽ giảm. Điều này phục thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu", ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá.
Theo đánh giá thị trường lao động đang đang đối mặt là tình trạng thiếu việc làm cục bộ, do tác động của thị trường thế giới. Thống kê, đến hết tháng 1/2023 có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp). Trong đó, tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ... da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng; dệt may 25-30%; chế biến gỗ 70%; công nghiệp phụ trợ 50%...
Ngoài ra, có gần 640.000 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Bên cạnh đó, số giờ làm việc bình thường giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày.
Vấn đề đáng quan ngại theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là số lượng người tìm kiếm được việc làm mới sau khi bị mất việc không nhiều. Trong khi theo tính toán nhu cầu tuyển dụng lên tới gần 400.000 việc làm, cao hơn nhiều số lao động bị mất việc, giảm việc.
Hỗ trợ lao động khó khăn
Thời gian qua các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng hỗ trợ trực tiếp cho những lao động khó khăn. Ngay trong những ngày sát tết nguyên đán, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết chưa có tiền lệ là hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, trích từ Quỹ công đoàn.
Cụ thể, theo Nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động là đoàn viên công đoàn bị giảm giờ làm, ngừng việc sẽ được hỗ trợ từ 1 đến 3 triệu đồng. Đồng thời chỉ đạo công đoàn các cấp thống kê chính xác số lao động bị giãn việc, mất việc để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, xác nhận đến đâu sẽ chi ngay tiền hỗ trợ đến đó.
"Mỗi một người lao động là đoàn viên công đoàn được nhận hỗ trợ một lần. Các trường hợp đoàn viên là người lao động được hưởng nhiều mức hỗ trợ khác nhau sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất", bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.
Thời hạn tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 31/3 năm nay. Chậm nhất hết tháng 5 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ. Ước tính sẽ có hơn 600.000 người sẽ được hưởng gói hỗ trợ này. Ước tính chương trình đến nay đã chi được khoảng 205 tỷ đồng.
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, việc đào tạo lại lao động, nâng cao tay nghề được xem là giải pháp bền vững cho thị trường lao động
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp bền vững và cũng rất quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo lại lao động, nâng cao tay nghề để phù hợp với xu hướng việc làm.
Về quan điểm này, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề là việc làm thường xuyên của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong Nghị quyết 06, Chính phủ đã nêu rất rõ chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó chú trọng vào vấn đề đào tạo lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết nêu rõ về việc ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đào tạo lao động trong doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường: Nguy cơ suy thoái toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng là những thách thức lớn với nền kinh tế và thị trường lao động. Dự kiến nửa cuối năm 2023 tình hình mới bớt khó khăn. Do đó, lúc này rất cần chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là kết nối cung - cầu, hạn chế tình trạng nơi cần thì không có, nơi có thì lại không cần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.34110523013103202-gnod-oal-iougn-nahc-uig-ol-peihgn-hnaod-gnah-nod-meik-ox-yaox/et-hnik/nv.vtv