Ở các doanh nghiệp (DN) sản xuất, bí quyết để trụ vững trong đại dịch và phá băng, bứt tốc như hiện nay đó là sự đồng hành và những ưu đãi cho người lao động (NLĐ). Phía ngược lại là nỗ lực hết mình của người công nhân với mong muốn luôn được cống hiến, bám trụ để cùng DN thành công.
Để nhà máy luôn sáng đèn
Chị Kim Hiền đã có hơn 10 năm làm công nhân giày da ở Công ty TNHH Industrial Việt Nam (VN, Khu chế xuất (KCX) Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM). Giống như hàng ngàn công nhân khác, chị có việc làm ổn định tại công ty trong nhiều năm qua.
Chị Hiền phấn khởi cho biết đời sống của gia đình chị và anh chị em công nhân ổn định ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội, nhờ công ty luôn có nhiều đơn hàng. Chính vì vậy chị luôn yên tâm sản xuất với suy nghĩ cống hiến hết mình cho công việc.
Bữa ăn ca tại Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: H.VÂN |
Và cũng chính nhờ những người thợ khéo léo như chị Hiền trong các chuyền sản xuất đã đưa nhãn hiệu giày sản xuất của công ty tại VN đến các cửa hàng sang trọng ở Mỹ và các nước châu Âu.
Chị Nguyễn Thị Hợp xem Công ty TNHH Nissei Electric VN (thuộc KCX Linh Trung) là ngôi nhà thứ hai của mình, bởi chị đã gắn bó với nơi đây 14 năm trong môi trường làm việc ổn định, thu nhập khá. Từ trong đại dịch đến nay chị cùng 2.000 công nhân đã luôn đồng hành cùng công ty vượt qua khủng hoảng, giữ chuỗi sản xuất không bị đứt gãy và bứt phá trong sản xuất.
Dù làm trong ngành sản xuất điện, điện tử nhưng chị Hợp và nhiều công nhân khác không ngần ngại làm tăng ca khi công ty có đơn hàng gấp. Chính vì vậy hình ảnh các phân xưởng trong nhà máy luôn sáng đèn đã không còn xa lạ với các công nhân nơi đây. Ngay cả lúc đại dịch bùng phát dữ dội nhất công ty cũng tạo việc làm ổn định cho 1.000 công nhân với phương án tổ chức ba tại chỗ.
“Tôi biết ơn và thấy khi NLĐ làm vì DN thì DN sẽ nghĩ cho chúng tôi” - chị Hợp nói.
Chị Phạm Thị Thanh Đạt, công nhân Công ty CP Mekong Herbal, khoe công ty đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu nước ép gấc, xoài, chanh dây, dưa hấu, thảo dược đi châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. “Đơn hàng chồng đơn hàng nên nhà máy luôn sáng đèn, trang trại nông sản tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Thu nhập của chúng tôi ổn định 10-13 triệu đồng/tháng” - chị Đạt phấn khởi.
Tình chủ - thợ là hài hòa lợi ích
Chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric VN, kể chị làm việc tại công ty Nhật Bản nên mọi thứ đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ an toàn lao động đến vệ sinh thực phẩm.
Năm qua dù biến động nhưng kết quả kinh doanh của công ty tốt và thu nhập của người công nhân được cải thiện, mức thưởng tết hai tháng lương. Hồi tháng 6-2021, công ty đã đồng loạt tăng lương 200.000 đồng cho toàn bộ công nhân, đầu năm 2022 lại điều chỉnh tăng 200.000 đồng, đến tháng 7-2022 lại tiếp tục tăng thêm 100.000 đồng và tiền hỗ trợ đi lại 100.000 đồng/người.
Theo chị Vân thì sự chăm lo, đối đãi đó là cái tình của người chủ với thợ, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống.
Ông Mochizuki Daisuke, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nissei Electric VN, nói rằng luôn mong muốn tạo môi trường để công nhân làm việc vui vẻ và an toàn. Việc này cũng góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng chung của hai nước VN và Nhật Bản. Tổ chức công đoàn chính là cầu nối giúp lãnh đạo và NLĐ tìm ra tiếng nói chung.
Năm 1999, khi đầu tư vào VN, Tập đoàn Nissei Electric xác định phải lo chỗ ăn ở cho công nhân để thu hút NLĐ. Do đó, công ty đã thuê 9.500 m2 đất xây ký túc xá với tổng mức đầu tư khoảng 4 triệu USD. Hằng năm công ty chi khoảng 240.000 USD để vận hành khu ký túc xá, toàn bộ công nhân ở đây đều được miễn phí kể cả tiền điện, nước. Hiện ba lock lưu trú của công ty có 270 phòng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.000 công nhân, có WiFi, phòng hát karaoke và sảnh lớn để công nhân tham gia các hoạt động vui chơi, vận động sau giờ làm.
Ông Trần Văn An, Tổng giám đốc Công ty CP Mekong Herbal, cho biết công ty vừa ký được hợp đồng xuất 12 container nước ép dưa hấu sang Hàn Quốc. Vào cao điểm, công ty sử dụng hàng trăm lao động làm việc tại nhà máy và trang trại. Trong xuất khẩu nông sản, ngoài đảm bảo chất lượng, đòi hỏi phải có trách nhiệm xã hội, tuân thủ các chế định quốc tế về quyền con người, thu nhập, môi trường làm việc, chế độ ăn uống.
“Chúng tôi luôn biết ơn NLĐ đã đồng hành cùng công ty và tạo ra những sản phẩm tốt để xuất đi các nước” - ông An chia sẻ.
TP.HCM có nhu cầu tuyển hơn 14.000 người lao động sau tết
Trong văn bản vừa báo cáo đến Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết TP ghi nhận có 499 DN có nhu cầu tuyển thêm NLĐ trong quý I-2023 lên đến 14.379 người. Trong đó, lĩnh vực may mặc, da giày cần 5.000 người; điện, điện tử cần 2.200 người; bán buôn có nhu cầu tuyển dụng 1.000 người…
Cơ quan này cũng nhìn nhận cuối năm 2022 tình hình hoạt động sản xuất khó khăn diễn ra tại một số DN nên NLĐ có suy nghĩ thay đổi hơn các năm trước. Đó là tình trạng chuyển đổi việc làm sau tết không còn là xu hướng như các năm, nhằm ổn định việc làm trước tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Song song đó, trong năm qua các DN luôn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm để ổn định nguồn lao động cũng góp phần tạo sự gắn bó giữa DN và NLĐ.
Còn theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến trong thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng người lao động của các DN sẽ tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể tiếp tục xảy ra đến hết quý I-2023. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến vấn đề bảo đảm việc làm cho NLĐ.
V.LONG