Mặc cho nỗ lực của nhóm vốn hoá vừa, VN-Index vẫn giảm về vùng 1.110 điểm do hàng loạt cổ phiếu lớn bị xả bán mạnh ở phiên chiều.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1, VN-Index giảm 14,53 điểm, tương đương 1,30% xuống 1.102,57 điểm. Toàn sàn có 210 mã tăng, 218 mã giảm và 44 mã đứng giá.
HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm, tương đương 0,01% lên 220,78 điểm, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm, tương đương 0,55% đạt 75,4 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức giảm sâu nhất 16,7 điểm với 22 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.783 tỷ đồng, tăng 25% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 13.627 tỷ đồng, tăng 22% so với phiên hôm trước. Nhóm VN30 được sang tay 4.951 tỷ đồng.
Khả năng thị trường còn có thể gặp khó khăn
Chứng khoán MBS: Thị trường gặp áp lực chốt lời sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp là hoàn toàn bình thường. Trong khi chỉ số VN-Index tăng hơn 10% thì có nhiều cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có mức tăng gấp đôi hoặc hơn nữa như: nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công, chứng khoán, thép, ngân hàng, BĐS KCN, dầu khí, …
Thanh khoản lên mức cao nhất kể từ đầu năm là tín hiệu đáng chú ý, dòng tiền đang dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ khi nhóm bluechips đóng vai trò lực kéo thị trường vượt đỉnh tháng 12 bị chốt lời.
Về kỹ thuật, khu vực 1.120 -1.124 điểm là ngưỡng cản kỹ thuật của chỉ số VN-Index, với việc thanh khoản lên cao ở phiên hôm nay, khả năng thị trường còn có thể gặp khó khăn ở các phiên sắp tới, vùng hỗ trợ ở 1.065 – 1.098 điểm.
Thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Đà tăng của thị trường tạm thời chững lại trước áp lực cung chốt lời của nhiều Nhà đầu tư sau kỳ nghỉ lễ. Mặc dù thị trường đóng cửa tại mức giá thấp nhất phiên kèm theo sự gia tăng của thanh khoản, tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những cổ phiếu chưa tăng mạnh thời gian qua.
Do đó, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh để kiểm tra cung cầu trong phiên giao dịch kế tiếp với vùng hỗ trợ là 1.088-1.092 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát quan sát dòng tiền hỗ trợ thị trường trong thời gian tới và có thể chủ động tích lũy giá tốt tại các cổ phiếu có đã có nền tích lũy tích cực.
Vùng 1.100 điểm sẽ là hỗ trợ gần nhất cho VN-Index
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm mạnh với volume tăng cao là tín hiệu tiêu cực đối với xu hướng tăng hiện tại. Điểm số lần đầu đóng cửa dưới hỗ trợ ngắn hạn MA5 trong vòng hơn 1 tháng qua cũng là tín hiệu cảnh báo đáng chú ý. Vùng 1.100 điểm sẽ là hỗ trợ gần nhất cho VN-Index trong phiên tới. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp.
Thị trường tiếp tục điều chỉnh để thu hút dòng tiền
Chứng khoán TPS: Áp lực bán trong phiên giao dịch 30/1 chủ yếu xuất hiện ở nhóm ngân hàng, đây là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất thị trường nên đã có ảnh hưởng kéo giảm chỉ số chung.
Cùng với đó, việc thanh khoản tăng cao cho thấy thị trường đã có lực mua đủ mạnh để hấp thụ áp lực chốt lời trong phiên. Hiện tại, mục tiêu của chỉ số vẫn là chinh phục ngưỡng Fibonacci Retracement 61,8%. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường tiếp tục điều chỉnh để thu hút dòng tiền mới tham gia thì trendline giảm (bắt đầu từ tháng 4/2022) giờ đây sẽ là hỗ trợ quan trọng cho chỉ số.