Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân 2023 chính thức diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào sáng nay, mùng 10 tháng giêng (31-1).
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Việt Hà - quyền chủ tịch hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cho biết năm 2022 thế giới xảy ra nhiều biến động phức tạp, khó lường, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ của các nước lớn được điều hành theo hướng thắt chặt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản.
Trong nước, những vụ việc vi phạm pháp luật của một số cá nhân, tổ chức xảy ra trên thị trường chứng khoán cũng ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, chỉ số VN-index dừng lại ở mốc 1.007 điểm, giảm hơn 52%. Giá trị vốn hóa cũng giảm hơn 31%. Giá trị giao dịch bình quân đạt 17.000 tỉ đồng/phiên, giảm gần 22%. Giá trị cổ phần đấu giá đạt 938 tỉ đồng, giảm hơn 43% so với năm liền trước.
Mặc dù bị sụt giảm mạnh, nhưng xét về tổng thể thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. Đa số doanh nghiệp niêm yết đều hồi phục sau đại dịch COVID-19. Nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng hơn 26.000 tỉ đồng trong năm vừa qua, đảo chiều so với mức bán ròng hơn 58.000 tỉ đồng ở năm liền trước.
Với vai trò tân chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương nhận định 2022 là một năm thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam khi chịu những tác động kép cả từ bên ngoài và bên trong.
Dù vậy, nền kinh tế vẫn ghi nhận được những kết quả ấn tượng với GDP ước tăng 8,02% so với năm trước, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững ổn định và lạm phát vẫn đang được kiểm soát.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù trải qua nhiều biến động nhưng thị trường vẫn giữ vững sự ổn định nhất định, vận hành an toàn và thông suốt.
Hoạt động huy động vốn trên thị trường vẫn đạt mức cao, đa số doanh nghiệp niêm yết đều hoạt động ổn định và có lãi, sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.
Bà Chân Phương nhìn nhận, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị… trên thế giới tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán, các sở giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kiên trì bám sát các mục tiêu trọng điểm trong năm 2023.
Đầu tiên, tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường chứng khoán. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành, tạo điều kiện triển khai sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả.
Tiếp đến là tăng cường giám sát, thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm. Triển khai và hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ năm 2023. Tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường, hướng đến sự phát triển minh bạch và bền vững.
Nỗ lực củng cố niềm tin của nhà đầu tư bằng cách phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên thị trường, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Đồng thời tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn...
Về nâng hạng, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các tổ chức quốc tế và chủ động đề xuất Bộ Tài chính tổ chức trao đổi với các bộ, ngành liên quan để thị trường chứng khoán Việt sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra.
Thị trường chứng khoán khép lại năm dương lịch 2022 trong sắc đỏ giảm điểm. Tính từ mốc đỉnh cao vào hồi đầu năm, đến nay chỉ số VN-Index đã 'bốc hơi' xấp xỉ 522 điểm (-52%). Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng khi khối ngoại liên tục mua ròng.
Xem thêm: mth.72615200113103202-naohk-gnuhc-ut-uad-ahn-nit-mein-oc-gnuc-mahp-iv-cac-meihgn-ux/nv.ertiout