Gà đồi Lang Chánh từ lâu đã khá nổi tiếng ở Thanh Hóa song lại chưa nhiều người để ý. Làm bí thư chi đoàn thôn Khụ I, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, Dương tiên phong xây dựng mô hình chăn nuôi gà đồi với kỳ vọng trở thành một loại đặc sản của địa phương vươn đi nhiều nơi.
Hơn sáu năm chăn nuôi gà, nhiều kinh nghiệm rút ra từ thực tế, sẵn niềm đam mê, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh đã thành lập Hợp tác xã Gà đồi Lang Chánh.
Tập hợp gần 15 trang trại chăn nuôi với quy mô trên 15.000 con gà thịt mỗi lứa, Dương muốn chuyển hướng sang chăn nuôi quy mô lớn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà quê mình với cam kết cung cấp cho thị trường sản phẩm gà thịt chất lượng.
Dùng cách nuôi bán chăn thả, sau khi nuôi ba tháng, gà sẽ được thả lên đồi và các khu vườn cỏ dưới tán rừng. Từ đây, gà sẽ tìm thêm thức ăn trong tự nhiên, gà... "tập thể dục", tự do chạy nhảy, leo trèo, phơi nắng.
Chính quá trình này tạo điểm đặc biệt về chất lượng thịt gà khi xuất chuồng từ hợp tác xã và dần trở thành thương hiệu riêng vốn có.
Cũng có lúc thăng trầm, cả lỗ vốn nhưng khát khao về một thương hiệu đặc sản cho con gà quê mình đã giữ chân Dương cùng các thành viên hợp tác xã đa số đều còn trẻ. Bí thư chi đoàn đi đầu, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai muốn tham gia nuôi gà.
Vậy là nhiều buổi tham quan, học tập, nhân rộng mô hình kinh tế từ nuôi gà thả đồi được Xã Đoàn Giao Thiện tổ chức cho các bạn trẻ địa phương có nhu cầu đến tìm hiểu. "Mình chả giấu gì, từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đến cách xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống máng ăn uống tự động cho gà ra sao, cả bài học thất bại mình chia sẻ hết, chỉ mong các bạn đi sau sẽ không va vấp mà thành công ngay khi làm", Dương bày tỏ.
Bởi không chỉ phù hợp địa hình, khí hậu tại địa phương, mô hình chăn nuôi mới này được Xã Đoàn Giao Thiện xác định như một nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên thanh niên. Qua đó tạo thành chuỗi chăn nuôi liên kết để các bạn trẻ cùng tham gia phát triển kinh tế tại chính mảnh đất quê hương mình.
Dịch COVID-19 đi qua, những khó khăn cũng lùi dần, đàn gà thịt trong trang trại của Dương phát triển tốt, khỏe và lớn đều, kịp phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết vừa qua. Nhưng xa hơn, thương hiệu gà đồi Lang Chánh mà chàng trai dân tộc Mường ấy cất công phát triển đang dần thành hiện thực, được người tiêu dùng nhiều nơi bắt đầu biết đến và sẽ đi đến nhiều vùng miền Tổ quốc một ngày không xa.
Thời gian tới huyện Yên Thế (Bắc Giang) đặt mục tiêu mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 11 - 13 triệu con gà thương phẩm với giá trị từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng.
Xem thêm: mth.41240910113103202-iod-ag-nas-cad-ohc-ueih-gnouht-mit-cuht-oaht/nv.ertiout