Theo một số nghiên cứu trên thế giới, người có khuôn mặt đẹp thường khiến người khác thấy dễ chịu và muốn tiếp cận. Họ được cho là có nhiều đặc điểm tính cách tích cực hơn theo lối suy nghĩ "người đẹp là người tốt". Ví dụ, những nhân viên ưa nhìn hơn sẽ có nhiều khả năng được thăng chức hơn; các ứng cử viên hấp dẫn được coi là có năng lực chính trị hơn những ứng cử viên kém hấp dẫn và có nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ từ cử tri.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra con người hình thành ấn tượng đầu tiên rất nhanh. Một cái nhìn thoáng qua khuôn mặt của ai đó là đủ để chúng ta xác lập ấn tượng về mức độ đáng tin cậy hoặc năng lực của họ. Dù ấn tượng đầu tiên này thường không chính xác nhưng một số nghiên cứu cho thấy chúng ảnh hưởng đến nhiều quyết định quan trọng bao gồm cả việc muốn hẹn hò, tuyển dụng hay bầu chọn.
Năm 2020, Hội Tâm lý học Nhân cách và Xã hội (SPSP) của Mỹ thực hiện các nghiên cứu để xem liệu ấn tượng đầu tiên có tác động đến việc ai đó bị kết tội trước tòa hay không. Những người tham gia nghiên cứu được cho xem hồ sơ vụ án, yêu cầu xem xét cẩn thận các bằng chứng rồi đưa ra phán quyết. Đặc biệt, trong đó ảnh bị cáo được thay đổi đặc điểm trên khuôn mặt bằng phần mềm máy tính. Qua ba nghiên cứu, kết quả cho thấy những bị cáo có khuôn mặt trông không đáng tin cậy có khả năng bị kết tội cao hơn những người "có vẻ đáng tin".
Các cá nhân ở nhiều nhóm tuổi khác nhau sử dụng một số dấu hiệu chung trên khuôn mặt, như cằm, mũi và lông mày, để đánh giá một khuôn mặt có hấp dẫn và đáng tin cậy hay không. Những khuôn mặt không đáng tin cậy thường được coi là có ngoại hình của tội phạm.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Criminology năm 2017, hai giáo sư tội phạm học Brian Johnson và Ryan King cho rằng "ngoại hình ảnh hưởng đến bản án của một người".
Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ nhà chức trách để chọn ngẫu nhiên 1.200 người đàn ông đã bị kết án với tội danh nghiêm trọng ở khu vực Minneapolis-Saint Paul, bang Minnesota, kể từ năm 2009. Sau đó, họ bắt đầu tạo cơ sở dữ liệu về tội danh, bản án và đặc điểm ngoại hình của các bị cáo. Các nhà nghiên cứu yêu cầu bốn trợ lý cho điểm những người đàn ông dựa trên ngoại hình, như hấp dẫn hay nguy hiểm, có khuôn mặt trẻ thơ hay trưởng thành.
Các phát hiện cho thấy rằng, nhìn chung những người đàn ông được đánh giá cao về ngoại hình hoặc có khuôn mặt trẻ thơ được coi là ít có tính đe dọa hơn và ít nguy hiểm hơn. Từ đó, những người này có tỷ lệ bị kết án tù thấp hơn. Thậm chí, những người có hình xăm trên khuôn mặt có nguy cơ phải vào tù cao gấp đôi so với những người không có hình xăm như vậy. Trong một nghiên cứu khác, bị đơn có khuôn mặt trẻ thơ ít có khả năng bị kết tội vì "hành vi cố ý" trong các vụ kiện dân sự.
Theo nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức hấp dẫn của tội phạm và kết quả tuyên án, thực hiện năm 1991 bởi A. Chris Downs và Phillip M. Lyons, những tội phạm kém hấp dẫn thường bị kết án cao hơn đáng kể so với những tội phạm hấp dẫn, mức án tăng tối thiểu là 119,25% và tối đa là 304,88%. Nghiên cứu năm 2015 của Robert D. Lytle cũng khẳng định tội phạm càng kém hấp dẫn thì mức án càng cao và ngược lại.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của sức hấp dẫn trên khuôn mặt đối với các phán quyết pháp lý có thể bị giảm bớt bởi bản chất của tội ác. Hiệu ứng "người đẹp dễ được khoan hồng" chỉ có thể áp dụng với các tội không liên quan đến sức hấp dẫn ngoại hình, như trộm cắp. Ngược lại, với các tội liên quan đến sự hấp dẫn, như tội lừa đảo, các bị cáo có vẻ ngoài cuốn hút được coi là phải chịu trách nhiệm nhiều hơn hoặc đáng bị trừng phạt nặng hơn vì họ được cho là có thể lợi dụng ngoại hình để thực hiện hành vi lừa đảo.
Tuệ Anh (Theo SPSP, NCBI, Thelawproject)
Xem thêm: lmth.1264654-na-maig-coud-ed-nad-pah-hnih-iaogn-oc-iougn-oas-iv/ten.sserpxenv