vĐồng tin tức tài chính 365

Băn khoăn chuyện hậu cần và hiệu quả khi phương Tây gửi xe tăng cho Ukraine

2023-01-31 12:42

Gần đây, Mỹ và Đức đã quyết định sẽ gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine. Đây là động thái mang tính bước ngoặt khi trước nay hai nước luôn chần chừ bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết của Ukraine và các đồng minh khác. Quyết định của Mỹ và Đức đã tiếp thêm động lực cho các đồng minh châu Âu khác gửi thêm xe tăng cho Kiev.

Hàng loạt nước phương Tây hứa gửi xe tăng cho Ukraine

Hiện tại, Mỹ là nước đứng đầu các nước phương Tây về số lượng xe tăng gửi Ukraine. Washington cam kết gửi 31 xe tăng M1 Abrams, đủ trang bị cho một tiểu đoàn Ukraine. Cùng với Mỹ, Anh và Đức cũng đã cam kết gửi mỗi nước 14 xe tăng cho Kiev: London sẽ gửi xe tăng Challenger 2 và Đức sẽ gửi Leopard 2.

Pháp đang xem xét cung cấp cho Ukraine một số xe tăng chiến đấu Leclerc. Ba Lan thông báo sẵn sàng gửi xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, sau khi Đức cho phép Ba Lan gửi loại xe tăng do Đức sản xuất này. Bồ Đào Nha cho biết nước này có thể gửi bốn chiếc Leopard 2 và Na Uy sẽ gửi tám xe tăng loại này.

Các nước châu Âu khác cũng cam kết gửi Leopard 2 nhưng không nêu rõ số lượng như Tây Ban Nha, Phần Lan và Hà Lan. Ngoài ra, Đan Mạch cho biết có thể gửi 20 xe tăng Piranha do Thụy Sĩ sản xuất tới Ukraine nếu chính quyền Thụy Sĩ đồng ý cho gửi tới Kiev.

Băn khoăn chuyện hậu cần và hiệu quả khi phương Tây gửi xe tăng cho Ukraine  ảnh 1

Các xe tăng tiên tiến mà Mỹ cam kết gửi Ukraine gửi đi thông điệp tới cả Kiev lẫn Moscow về cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ngày 29-1, chia sẻ trên đài truyền hình Pháp BFM, Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko cho biết tính đến thời điểm hiện tại, các quốc gia đã chính thức xác nhận gửi 321 xe tăng hạng nặng cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Omelchenko không nói rõ nước nào gửi xe tăng gì, số lượng ra sao.

Lo ngại quanh chuyện xe tăng xịn tới Ukraine

Lo ngại đầu tiên là về thời gian huấn luyện lính. Trong khi Washington cho rằng có thể mất hàng tháng để huấn luyện lính Ukraine dùng xe tăng hiện đại thì một số cựu quan chức và chuyên gia quân sự cho rằng không mất nhiều thời gian như thế. Theo các chuyên gia, với nền tảng lính Ukraine có là lái được xe tăng thời Liên Xô, việc học vận hành xe tăng Leopard 2 có thể chỉ mất từ ba đến bốn tuần để đạt được trình độ cơ bản, tờ The New York Times cho hay.

Các quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ với The New York Times rằng để vận hành được M1 Abrams thì phức tạp hơn nhiều. Việc này đòi hỏi lính phải được đào tạo chuyên biệt về cách vận hành và bảo trì, sử dụng công nghệ riêng cho các bộ phận và sử dụng nhiên liệu chuyên dụng để giữ cho xe hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi cung ứng ổn định để đảm bảo các xe tăng nhận được nhiên liệu, các bộ phận và các hỗ trợ khác mà Ukraine cần ở tiền tuyến.

Thứ hai là vấn đề về hậu cần và nguồn cung đạn dược. Xe tăng do phương Tây sản xuất sử dụng loại đạn tương thích với kho dự trữ của NATO, nghĩa là có thể được bất kỳ quốc gia nào trong số 30 quốc gia thành viên NATO hoặc các đối tác cung cấp bổ sung. Dù xe tăng được viện trợ cùng với một số lượng đạn kèm theo nhưng cuộc chiến đã làm cạn kiệt kho dự trữ của phương Tây đến mức một số nước ngày càng lo lắng về việc liệu họ có đủ cho các cuộc xung đột tiềm tàng khác hoặc thậm chí là để tự vệ hay không.

Mặc dù các xe tăng mới của phương Tây rất cần thiết trong việc phản công nhưng chúng có thể khiến các sĩ quan hậu cần của Ukraine phải đau đầu. Xe tăng của Đức và Mỹ có các bộ phận và chế độ bảo dưỡng khác nhau, và cả hai loại đạn của các xe tăng này đều khác với loại xe tăng thời Liên Xô mà Ukraine hiện đang sở hữu.

Băn khoăn chuyện hậu cần và hiệu quả khi phương Tây gửi xe tăng cho Ukraine  ảnh 2

Mẫu xe tăng M1 Abrams của Mỹ trong cuộc tập trận ở Latvia hồi năm 2021. Ảnh: EPA/SHUTTERSTOCK

Cuối cùng là lo ngại về quá trình vận chuyển. Các cựu quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng các tuyến vận chuyển, phần lớn bắt nguồn từ các trung tâm ở Ba Lan, Slovakia và Đức sẽ rất quan trọng để đưa xe tăng, xe chiến đấu bọc thép và súng lớn ra tiền tuyến. Hầu hết các loại vũ khí sẽ được vận chuyển trên các toa tàu hoặc xe tải cỡ lớn.

Tuy nhiên, nhìn chung, đường sắt là cách nhanh nhất và an toàn nhất để vận chuyển thiết giáp, vì các đoàn xe tải dài rất có thể sẽ thu hút sự chú ý của Nga. Dù vậy, bằng cách nào thì Nga cũng luôn nhắm mục tiêu đến các con đường vận chuyển này, do đó, các phương tiện vận chuyển luôn phải “tàng hình” - được ngụy trang kỹ càng và di chuyển trong đêm.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng sẽ mất nhiều thời gian, nhiên liệu và phụ tùng thay thế để đưa xe tăng và các phương tiện bọc thép khác ra chiến trường. Và chúng cũng sẽ trở thành mục tiêu di động cho các máy bay chiến đấu của Nga.

Xe tăng không phải là vũ khí quan trọng nhất?

Khác với giai đoạn đầu của cuộc chiến là hai bên nỗ lực dội pháo vào các cứ điểm của nhau, giai đoạn mới của cuộc chiến sẽ là quân Ukraine nhắm vào những chiến hào do quân Nga xây dựng. Phá vỡ những phòng tuyến đó không chỉ là chuyện lái một tiểu đoàn xe tăng vượt qua chiến hào, mà nó đòi hỏi một cuộc tấn công phối hợp giữa xe tăng và bộ binh, pháo binh để nhắm vào các vị trí đó, theo The New York Times.

Do đó, mặc dù xe tăng là tâm điểm chú ý, các nhà phân tích quân sự cho rằng một phần quan trọng trong gói tài trợ của phương Tây có thể là 109 xe bọc thép Bradley Mỹ gửi và số lượng lớn súng pháo mà các đồng minh châu Âu sẽ gửi Ukraine. Thiết bị này có khả năng được kết hợp với xe tăng Leopard của Đức để giúp thành lập các đơn vị thiết giáp mới của Ukraine.

Băn khoăn chuyện hậu cần và hiệu quả khi phương Tây gửi xe tăng cho Ukraine  ảnh 3

Mẫu xe tăng Challenger 2 của Anh sẽ gửi cho Ukraine. Ảnh: EPA/SHUTTERSTOCK

Chuyên gia về Nga Michael Kofman của tổ chức nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ cho rằng “những phần quan trọng nhất của gói hàng là xe chiến đấu bọc thép, pháo và đạn dẫn đường chính xác” và “số lượng ít xe tăng được hứa viện trợ là phần ít quan trọng nhất trong gói viện trợ”, theo The New York Times.

Một số nhà phân tích tin rằng vũ khí hiệu quả nhất mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine là tên lửa dẫn đường chính xác. Quân đội Ukraine có truyền thống và thường tập trung huấn luyện pháo binh. Điều này đã cho phép Ukraine vận hành nhanh chóng và hiệu quả Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS để tấn công các kho đạn dược và sở chỉ huy của Nga.

Theo một số chuyên gia, gói viện trợ xe tăng lần này sẽ không thể giúp Ukraine tăng cường sức mạnh đủ để giành chiến thắng nhưng nó sẽ có ích ít nhiều. Xe tăng sẽ xuyên qua các tuyến hào và mở đường cho bộ binh.

Việc gửi xe tăng còn gửi tín hiệu quan trọng tới cả Ukraine và Nga về việc tiếp tục hỗ trợ của Mỹ. Đối với Nga, những chiếc xe tăng chứng tỏ rằng dòng chảy vũ khí từ phương Tây đang tăng lên chứ không hề suy giảm. Còn đối với Ukraine, đó là sự khích lệ tinh thần và thể hiện cam kết vững chắc của Mỹ.

Từ lâu, Ukraine đã nói rằng cần ít nhất 300 xe tăng để tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến. Theo chuyên gia sử học về quân sự David Silbey tại Đại học Cornell (Mỹ), Nga có hàng ngàn xe tăng sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao.

Phương Tây không bao giờ muốn một cuộc chiến một đối một với xe tăng Nga nhưng với lợi thế về chất lượng của Leopard hoặc Abrams so với xe tăng hiện đại nhất của Nga, nếu phương Tây có thể cung cấp 500 đến 1.000 xe tăng, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn đối với Ukraine.

Nga, Triều Tiên phản ứng mạnh

Nga đã phản ứng gắt về việc Mỹ, Đức quyết định gửi xe tăng cho Ukraine. Moscow cho rằng kế hoạch gửi xe tăng này là một kế hoạch thất bại, vì lý do công nghệ và năng lực vận hành của Ukraine, đồng thời làm tăng thêm gánh nặng thuế cho người dân châu Âu. Nga cũng cảnh cáo tất cả các xe tăng đến Kiev sẽ bốc cháy như các loại vũ khí, xe bọc thép khác. Các đại sứ Nga tại Đức và Mỹ cũng gọi động thái của các nước phương Tây là nguy hiểm, khiến xung đột kéo dài và leo thang hơn, theo hãng thông tấn TASS.

Triều Tiên cũng chỉ trích động thái của Mỹ và các đồng minh rằng đã “vượt quá lằn ranh đỏ” khi gửi xe tăng cho Ukraine. Em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - bà Kim Yo Jong nói rằng Mỹ có ý đồ xấu, muốn thực hiện mục tiêu bá quyền bằng cách “mở rộng hơn nữa cuộc chiến ủy nhiệm nhằm tiêu diệt Nga”, theo đài CNN.

Bà Kim cũng cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây “phá hoại hòa bình toàn cầu và an ninh khu vực, khi cung cấp các thiết bị quân sự cho Ukraine mà hoàn toàn không quan tâm đến mối quan ngại của Nga về an ninh”, đồng thời khẳng định Triều Tiên sẽ luôn đứng cùng chiến tuyến với người dân Nga.

Sau đó, ông Kwon Chung-keun, Giám đốc phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, cũng đã chỉ trích động thái của Mỹ là “tội ác phi đạo đức nhằm làm tình hình quốc tế bất ổn”. Ông nói rằng Mỹ làm việc tích cực để gửi các vũ khí tấn công như xe tăng chiến đấu cho Ukraine bằng mọi giá, bất chấp sự quan ngại và phản đối chính đáng của cộng đồng quốc tế, theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên KCNA.

THU PHƯƠNG

Xem thêm: lmth.588717tsop-eniarku-ohc-gnat-ex-iug-yat-gnouhp-ihk-auq-ueih-av-nac-uah-neyuhc-naohk-nab/nv.olp

“Băn khoăn chuyện hậu cần và hiệu quả khi phương Tây gửi xe tăng cho Ukraine”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools