Theo điều tra của báo Wall Street Journal, Viện Nghiên cứu vũ khí hạt nhân trực thuộc Học viện Vật lý kỹ thuật Trung Quốc (CAEP) do Nhà nước Trung Quốc điều hành đã mua chip thông qua các đại lý của Intel và Nvidia ngay ở Trung Quốc, mặc dù CAEP đã bị đưa vào danh sách đen cấm xuất khẩu chip máy tính của Mỹ kể từ năm 1997.
Theo trang tin American Military News, luật sư chuyên về thương mại quốc tế Kevin Wolf, người từng là quan chức hàng đầu của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ “cực kỳ khó thực thi” trong các giao dịch ở nước ngoài.
Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ cũng đã thông báo Mỹ và nước ngoài phải tiến hành thẩm định lại các giao dịch, để tránh công nghệ lọt vào tay các thực thể trong danh sách đen.
"Tôi có thể nói rằng rất khó để thực thi những hạn chế này khi bạn đang kinh doanh một loại hàng hóa như chip, bởi vì chip có rất nhiều công dụng" - Liza Lin, nữ nhà báo chuyên mục công nghệ châu Á của tờ Wall Street Journal và thành viên nhóm điều tra, cho biết.
Intel và Nvidia lên tiếng
Theo nhà báo Liza, mọi thứ trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi khó tìm ra ai là người mua cuối cùng.
Những con chip mà nhóm điều tra tìm thấy do CAEP mua là những con chip máy tính do các công ty như Intel và Nvidia sản xuất. Hai hãng công nghệ Mỹ này đã bán hàng chục nghìn con chip máy tính ở Trung Quốc mỗi năm.
Những con chip này có thể được tìm thấy trong máy tính cá nhân và các trung tâm dữ liệu. Đây cũng là những con chip có thể dễ dàng mua được từ một trang web thương mại điện tử phổ biến như Taobao. Vì vậy, việc theo dõi ai là người mua cuối cùng những con chip này trở nên vô cùng khó khăn.
Phát ngôn về vấn đề này, Intel cho biết công ty này và các nhà phân phối của họ luôn tuân thủ các quy định và lệnh về hạn chế xuất khẩu của chính quyền Mỹ.
Trong khi đó, Nvidia cho biết chip bán dẫn mà Wall Street Journal tìm thấy đã được sử dụng trong nghiên cứu của CAEP là chip graphic, vốn được sử dụng trong hàng tấn sản phẩm tiêu dùng. Do đó, công ty rất khó theo dõi hoặc kiểm soát vị trí của từng con chip máy tính của họ.
Nhiều nhà sản xuất chip và thiết bị cũng đã bác bỏ ý tưởng theo dõi "điểm đến cuối cùng" của từng sản phẩm do họ sản xuất.
TTO - Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, tình trạng thiếu hụt chip máy tính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát cao hơn ở Mỹ. Bộ cũng đã đề xuất Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS.