Các NHTW lớn nhất thế giới chuẩn bị tăng lãi suất trong tuần này lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng đợt hồi phục chưa từng có của thị trường trái phiếu trong tháng này đã bỏ qua những dấu hiệu cho thấy lạm phát ngày càng dai dẳng.
Giá trái phiếu nhanh chóng hồi phục kể từ đầu năm sau đợt bán tháo căng thẳng vào năm ngoái. Thị trường đặt cược rằng tốc độ thắt chặt chính sách của các NHTW sẽ chậm lại và thậm chí còn dự đoán Fed đảo ngược lộ trình. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đang bày tỏ mối lo ngại.
Monica Erickson - trưởng bộ phận tín dụng điểm đầu tư tại DoubleLine Capital, cho biết: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây là thị trường cần nhận thức môi trường vĩ mô đang thực sự như thế nào, tức là trái ngược với những gì họ hy vọng. Bối cảnh hiện tại sẽ cực kỳ khó khăn với Fed khi đưa lạm phát xuống 2% mà không gây ra một cuộc suy thoái.”
Lộ trình điều chỉnh lãi suất của ECB, BOE và Fed (ước tính năm 2023).
Theo Maureen O’Connor - trưởng bộ phận trái phiếu cấp cao toàn cầu tại Wells Fargo, thị trường tín dụng đang có định giá đúng về trường hợp suy thoái không xảy ra. Tuy nhiên, đó không phải là kịch bản đồng thuận được các nhà kinh tế dự báo.
Chỉ số của Bloomberg theo dõi trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp được xếp hạng cao và rác trên khắp thế giới có mức tăng 3,3% từ đầu năm 2023 đến nay. Theo đó, chỉ số này ghi nhận tháng 1 khởi sắc nhất kể từ khi thành lập vào năm 1999. Dòng vốn đổ vào trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ và Tây Âu chuẩn bị ghi nhận mức cao kỷ lục trong tháng 1, đạt tổng cộng 19,3 tỷ USD tính đến ngày 26/1, theo dữ liệu của EPFR.
Fed, ECB và BOE sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách trong tuần này. Giới đầu tư dự đoán Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,25% và đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2007 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu. ECB và BOE được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% lên mức cao nhất kể từ mùa thu năm 2008, khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản.
Trong khi đó, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực giá tiếp tục kéo dài bất chấp các NHTW nỗ lực kiểm soát. Sự chênh lệch giữa kỳ vọng của nhà đầu tư và dữ liệu kinh tế cũng ngày càng lớn.
Giới đầu tư hiện dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống gần mục tiêu 2% của Fed và ECB. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá vẫn ở mức 6,5% ở Mỹ và 9,2% ở khu vực đồng euro. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) vẫn ở mức cao.
Các cuộc khảo sát cho thấy, người tiêu dùng và doanh nghiệp ở hầu hết các nền kinh tế phát triển kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao hơn mục tiêu của NHTW trong trung hạn dù đã dần hạ nhiệt ở thời gian gần đây. Các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ các chỉ số như thế này, cũng như các thước đo theo dõi kỳ vọng thị trường, vì chúng có thể thể hiện nhu cầu tiền lương - yếu tố thúc đẩy lạm phát.
Thị trường dự đoán về lạm phát trong 5 năm tới ở các nền kinh tế phát triển.
Nathan Sheets - nhà kinh tế trưởng tại Citigroup, cho hay: “Kỳ vọng lạm phát có thể là ‘lời tiên tri ứng nghiệm’, vì dự đoán cao hơn sẽ kích hoạt những yếu tố tạo động lực cho lạm phát.” Điều mà các NHTW quan tâm là “đảm bảo kỳ vọng lạm phát không tăng vọt kể từ thời điểm này.”
Theo nhận định của Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, nhìn chung, kỳ vọng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và trên mục tiêu 2% của các NHTW lớn.
Nếu các NHTW duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hoặc tăng lãi suất nhiều hơn dự đoán của các nhà đầu tư, thì đà hồi phục của thị trường trái phiếu sẽ chững lại.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 3,5% từ 3,9% vào cuối tháng 12. Diễn biến này đã làm tăng sức hút của trái phiếu doanh nghiệp, vốn có lợi suất cao hơn trái phiếu chính phủ. Chênh lệch tín dụng đã giảm kể từ đầu tháng 1 và chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu điểm đầu tư và trái phiếu Kho bạc Mỹ là 0,1% từ đầu năm đến nay. Chênh lệch đối với trái phiếu có lãi suất cao được xếp hạng thấp hơn giảm tới 0,6%.
O’Connor cho hay: “Thị trường điểm đầu tư hiện được định giá quá cao. Tôi lo ngại rằng các sự kiện thiên nga đen và các chất xúc tác có thể sẽ có ảnh hưởng rộng hơn.”
Song, những lo ngại như vậy cũng không ngăn cản được làn sóng đổ tiền vào thị trường trái phiếu.
Rick Rieder, CFO bộ phận trái phiếu của BlackRock, cho biết: “Dòng tiền ‘theo đuổi’ lãi suất đang là rất lớn. Trong một môi trường mà tăng trưởng đang chậm lại, nơi thị trường chứng khoán mất sức hấp dẫn, thì trái phiếu là thị trường hấp dẫn và tôi có thể tận dụng mức lãi suất này.”
Tham khảo FT