Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành liên tục 4 lần, mỗi lần từ 0,5 đến 2 điểm %/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Theo NHNN, giảm trần lãi suất huy động và điều hành là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay.
Ngày 15/3, NHNN lần đầu giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế; lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay liên ngân hàng giảm 1%. Tiếp đó, NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 3 lần nữa vào các ngày 3/4, 25/5 và ngày 19/6.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lãi suất huy động thấp nhất lịch sử
Sau mỗi lần giảm lãi suất điều hành của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm dần lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, phù hợp với điều kiện thực tế.
Cuối tháng 12, nhóm ngân hàng quốc doanh đồng loạt điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, đưa lãi suất về thấp nhất từ trước tới nay.
Cụ thể riêng tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng hiện còn 1,9%/năm; 3 tháng 2,2%/năm; 6 và 9 tháng 3,2%/năm. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại đây là 4,8%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm hơn 30 ngân hàng thương mại của phóng viên Dân trí, tính đến cuối tháng 12, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5,1%/năm, giảm 0,3 điểm % so với đầu tháng 11 và giảm 3,3 điểm % so với đầu năm.
Tín dụng tăng trưởng đột phá những tháng cuối năm
Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 11,09%. Như vậy, chỉ tính riêng trong 3 tuần đầu tháng 12, tín dụng tăng gần 2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình 11 tháng đầu năm là 0,83%.
Theo số liệu NHNN công bố, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ riêng trong 3 tuần đầu tháng 12, tín dụng đã tăng gần 2%.
Trước tình hình khó khăn chung trong những tháng đầu năm, dù đã triển khai nhiều chính sách nhằm kích cầu tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm và mức NHNN đã phân bổ.
Theo NHNN, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu từ các yếu tố khách quan, như đầu tư, sản xuất, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn.
Khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp ngành này trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 21% tổng tín dụng chung). Trong 11 tháng đầu năm, tín dụng cá nhân mua nhà (chiếm hơn 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản) sụt giảm.
Ngân hàng phải "chữa bệnh thừa tiền"
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp hồi giữa tháng 9, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định công tác điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn.
Ông ví von, toàn hệ thống ngân hàng phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Dù NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục thực hiện các biện pháp nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng, tín dụng tăng thấp do cầu vay giảm. Các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do không có đơn hàng, không có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì lại không đủ điều kiện vay, không có tài sản đảm bảo… Nguồn cung dồi dào, cầu không gặp cung là lý do dẫn đến tình trạng thừa tiền tại các ngân hàng trong thời gian qua.
NHNN phát hành tín phiếu trở lại
Cuối tháng 9, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng, nhằm hút dòng tiền trên thị trường về trong bối cảnh đang thừa tiền và tín dụng tăng trưởng chậm, không cho vay ra được.
Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm, chính sách tiền tệ mở rộng nhanh chóng, lượng tiền trên thị trường trở nên dư thừa rất nhiều.
Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ giảm mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Đến đầu tháng 11, NHNN đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng, đồng thời bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn.
Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh
2023 là năm các ngân hàng quốc doanh cấp tập chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Hiện 4 ngân hàng có vốn Nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank.
Trong đó, Vietcombank là đơn vị tiên phong tăng vốn trong năm nay. Cuối tháng 8 vừa rồi, ngân hàng này đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận sau thuế và trừ các quỹ 2019, 2020.
BIDV cũng đã chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức vào 29/11. Theo đó, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu BID sẽ nhận được 12,69 cổ phiếu, làm tròn xuống 12 cổ phiếu. Sau đợt chia cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng.
VietinBank cũng đã có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7% từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích các quỹ năm 2020. Kế hoạch tăng vốn thông qua đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu này đã được NHNN chấp thuận vào tháng 10 vừa qua. Dự kiến, vốn điều lệ của VietinBank tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng.
Với nhà băng 100% vốn nhà nước còn lại là Agribank, giữa năm nay, đơn vị này cũng được Quốc hội thông qua chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tối đa 17.100 tỷ đồng, tương ứng với phần lợi nhuận còn lại của nhà băng nộp ngân sách nhà nước trong 3 năm 2021-2023. Kế hoạch tăng vốn điều lệ cho Agribank được chia thành 2 đợt, gồm khoảng 6.750 tỷ đồng bổ sung trong năm 2023 và 10.350 tỷ đồng trong 2024.
Tranh luận về Thông tư 06
Thông tư 06 được NHNN ban hành vào cuối tháng 6 và có hiệu lực vào đầu tháng 9, bổ sung quy định với một số nhu cầu vốn ngân hàng không được phép cho vay. Một trong những nội dung này là ngân hàng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của giới chuyên gia, sẽ dẫn tới tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, gồm doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư, sẽ không tiếp cận được tín dụng do dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Nhiều đơn vị sau đó đã liên tục đề nghị NHNN sửa quy định cho vay. Thủ tướng sau đó cũng đã yêu cầu NHNN và các bộ nghiên cứu sửa ngay quy định tại Thông tư 06 về cho vay, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Ngày 23/8, NHNN đã ban hành Thông tư 10 nhằm ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06.
Cụ thể, ngân hàng vẫn được phép cho vay với nhu cầu thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên UPCoM.
Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Quy định không được cho vay để bù đắp tài chính trừ khi đáp ứng một số điều kiện cũng được nhà điều hành tiền tệ loại bỏ.
Giao dịch trên 400 triệu đồng phải báo cáo
Theo Quyết định 11/2023 của Chính phủ, từ đầu tháng 12, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nâng lên thành 400 triệu đồng. Trước đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ chỉ phải báo cáo với những giao dịch có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
Cụ thể, giao dịch có giá trị 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN áp dụng với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính.
Danh sách này gồm tổ chức tài chính được cấp phép để nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; môi giới/tư vấn đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.
Ngoài ra, danh sách còn có tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính như trò chơi có thưởng (casino, xổ số, đặt cược...); kinh doanh bất động sản trừ cho thuê, cho thuê lại bất động sản; kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư...
Thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng
Cuối tháng 10, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của mình.
Từ giữa tháng 9, VPBank cũng phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Đây là một trong những bước cuối cùng để nhà băng này hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho SMBC.
Với giá trị 1,5 tỷ USD, đây là thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỷ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng.
Số phận các ngân hàng yếu kém
4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.
Ngoài 4 nhà băng này, từ tháng 10/2022, NHNN cũng đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của đơn vị này ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại nhà băng này, để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương.
Trong phiên chất vấn trước các đại biểu quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém rất khó. "Bình thường đã khó rồi nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn", bà nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm đây là việc chưa có tiền lệ khi năng lực, kinh nghiệm cán bộ xây dựng đề án còn hạn chế.
"Việc tìm kiếm nhà đầu tư tự nguyện tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém rất khó khăn. Cơ chế để cơ cấu các ngân hàng này cần xin cấp có thẩm quyền các bước phê duyệt", bà Hồng nói. Đại diện cơ quan quản lý tiền tệ nói sẽ hoàn thiện đề án chi tiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.