Đêm 31-12-2023, rạng sáng 1-1-2024, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội) phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm kiểm soát nồng độ cồn đối với tài xế trên đường Lê Quang Đạo, đoạn gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Tại đây, lực lượng chức năng sử dụng 3 làn đường để kiểm soát toàn bộ ô tô và các xe máy. Trong đó, ô tô sẽ được đi vào 2 làn ngoài. Tài xế xe máy sẽ được kiểm tra theo xác suất ở làn trong cùng, sát vỉa hè. Họ được cảnh báo từ xa trước khi lái xe qua chốt.
Hàng trăm lượt phương tiện đã được kiểm soát trong thời khắc đón chào năm mới 2024.
Kết quả, hàng chục tài xế có nồng độ cồn bị xử lý. Trong đó, một số tài xế có nồng độ cồn ở mức cao, vượt mức xử lý kịch khung theo quy định tại Nghị định 100 (trên 0,4mg/l khí thở).
Nhiều lí do được các tài xế đưa ra để biện minh như: mới uống thuốc, nhà gần chỉ lái một đoạn đường ngắn… Thậm chí có tài xế còn lớn tiếng tại chốt đo nồng độ cồn, gọi điện cho nhiều người để tác động hòng xin bỏ qua vi phạm hoặc bỏ lại xe và rời đi.
Tài xế N.T.H. (sinh năm 1987) điều khiển ô tô biển số ở Hà Nội. Khi thấy tổ kiểm soát nồng độ cồn, anh H. dừng phương tiện cách chốt khoảng hơn 100m. Cảnh sát giao thông áp sát, anh này liên tục gọi điện nhờ can thiệp. Kết quả đo nồng độ cồn của tài xế H. là 0,177mg/l khí thở. Anh H. sau đó bỏ lại ô tô và rời khỏi chốt kiểm soát khoảng gần 1 giờ trước khi quay lại và ký vào biên bản.
Trong khi đó, nữ tài xế T.T.P.T. (sinh năm 1977) có nồng độ cồn ở mức 0,025 mg/l khí thở. Chị T. liên tục giải thích mình đang dùng thuốc dẫn đến có nồng độ cồn.
Đáng chú ý, khi gần kết thúc ca kiểm soát, tài xế N.N.D. (sinh năm 1986) liên tục lớn tiếng ở chốt kiểm soát và nhất quyết không thổi kiểm tra nồng độ cồn. Nam tài xế nói "nhà không thiếu xe nên không sợ bị giữ".
Sau khi được cảnh sát khuyên bảo và giải thích các quy định, nam tài xế đã nhận sai và chấp nhận ký biên bản với mức nồng độ cồn 0,645 mg/l khí thở (gấp hơn 1,6 lần mức kịch khung quy định tại Nghị định 100). Với vi phạm này, anh N.N.D. bị xử phạt 35 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng và tạm giữ ô tô 7 ngày.
Nữ tài xế T.T.P.T. (sinh năm 1977) có nồng độ cồn ở mức 0,025 mg/l khí thở. Chị T. liên tục giải thích mình đang dùng thuốc dẫn đến có nồng độ cồn, thậm chí dùng điện thoại liên tục ghi hình khi cảnh sát tạm giữ xe - Ảnh HỒNG QUANG
Có nồng độ cồn gấp hơn 1,6 lần mức kịch khung, tài xế N.N.D. (sinh năm 1986) liên tục lớn tiếng ở chốt kiểm soát. Sau khi được cảnh sát khuyên bảo, anh này đã chấp hành các quy định - Ảnh: HỒNG QUANG
Phương tiện của người vi phạm được niêm phong và bị tạm giữ 7 ngày theo quy định - Ảnh: HỒNG QUANG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay trong năm 2023 đã có hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt, tăng khoảng 150% so với năm 2022. Trong khi đó vào năm ngoái, có hơn 462.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt.
Nói về khó khăn của lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ xử lý nồng độ cồn, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay các tài xế có hơi men dễ kích động, có hành vi phản kháng, không chấp hành kiểm tra.
Năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục kiên quyết xử lý các tài xế vi phạm nồng độ cồn, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ".
"Chúng tôi không phải đặt nặng vấn đề xử phạt, mà phải làm sao kiểm tra, kiểm soát để tạo cho người dân thói quen đã sử dụng rượu bia thì không lái xe", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh.
Sáng 30-12, lượng xe cộ qua các cửa ngõ Hà Nội chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tại nút giao cửa ngõ phía nam, mọi hướng đường đều ùn tắc do người dân tiếp tục rời thủ đô đi nghỉ Tết dương lịch 2024.