vĐồng tin tức tài chính 365

Chọn kênh đầu tư năm 2024: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay vàng, đất?

2024-01-01 10:25

Năm 2021 từng chứng kiến sự lên ngôi của các tài sản kỹ thuật số, xu hướng đầu tư vào công nghệ mới, làn sóng đổ tiền vào chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp và sự vươn lên mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân.

Năm 2022 lại là một năm đầy cảm xúc của giới đầu tư khi chứng kiến môi trường đầu tư nhiều yếu tố bất định như lạm phát tăng cao trở lại, đại dịch chưa hoàn toàn kết thúc, sự phục hồi phân hóa giữa các nhóm ngành, diễn biến khó đoán của vàng, USD khi các nền kinh tế dần thắt chặt chính sách tiền tệ, chứng khoán giảm mạnh, bất động sản đối mặt với nhiều sức ép, lãi suất tăng cao…

Đến năm 2023, thị trường tài chính chứng kiến làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm ở tất cả ngân hàng trong bối cảnh ngân hàng "thừa tiền", VN-Index trồi sụt, bất động sản chưa phục hồi còn vàng, sau nhiều thập kỷ có mức sinh lãi thấp và không được chú ý thì trở lại giữa lúc kinh tế nhiều bất ổn, lạm phát và rủi ro địa chính trị tăng cao.

Trước các yếu tố đang hiện hữu, năm 2024 được đánh giá có thể tạo ra một bức tranh đầu tư nhiều màu sắc. Vậy bức tranh ấy sẽ ra sao? Những biến số nào sẽ tác động đến các kênh đầu tư?

"Sóng" chứng khoán nghiêng về cuối năm

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) - đưa ra quan điểm đầu tư với từng lĩnh vực khác nhau, như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền USD...

Với chứng khoán, 2023 là năm chứng khoán đứng số 1 về mức độ tăng trưởng lợi nhuận. Vào quý III và cả quý IV, dòng tiền trên thế giới có xu hướng tìm đến các kênh an toàn hơn so với cổ phiếu, khiến thị trường chứng khoán có sự chững lại. Điều này dự kiến còn kéo dài qua đầu năm 2024, khó có thể sớm cải thiện.

Tuy nhiên năm 2024, lĩnh vực này chỉ đứng số 2 hoặc số 3. "Sóng" trên thị trường chứng khoán năm 2024 có thể có và nghiêng về cuối năm nhiều hơn, đồng pha với sự phục hồi của nền kinh tế và sự phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chọn kênh đầu tư năm 2024: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay vàng, đất? - 1

"Sóng" trên thị trường chứng khoán năm 2024 có thể có và nghiêng về cuối năm nhiều hơn (Ảnh: Hải Long).

Với bất động sản, ông Khánh cho rằng bất động sản đang ở vùng đáy vào năm 2023, sang năm 2024 có thể chưa thể phục hồi, chưa đạt được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn hoàng kim nhưng "ấm" hơn vào cuối năm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có nhiều nét tương tự với bất động sản. Giai đoạn trầm lắng nhất cũng đã qua, năm 2023 phát hành trái phiếu cũng đã cải thiện hơn.

Đối với vàng vật chất, mức giá giao dịch đã ở đỉnh lịch sử vào cuối năm 2023, có thể duy trì đà tăng trong năm 2024 nhưng mức độ tăng giá không nhiều. Ông Khánh quan điểm đầu tư vàng khó có lời nhiều, vì mặc dù giá vàng đã ở mức cao nhất lịch sử nhưng lợi nhuận năm nay chỉ tăng hơn 10%, có thể gấp đôi tiền gửi tiết kiệm nhưng không được với chứng khoán.

Đầu tư vàng, theo ông Khánh, cần sự dài hạn hoặc chiếm tỷ trọng vừa phải trong danh mục, không nên "chơi tất tay". Tỷ trọng an toàn, vừa phải khoảng 5-10%, hoặc cao nhất là 20%, không nên cao thêm nữa.

Về tỷ giá và ngoại hối, chuyên gia của MBKE dự báo năm 2024, tỷ giá vẫn ổn định như nhiều năm qua, tuy nhiên đồng USD có thể sẽ theo xu hướng tăng trong khoảng nửa đầu năm 2024 rồi mới giảm lại vào nửa cuối năm.

2 kênh đầu tư 2024: Cổ phiếu, vàng

Ông Lê Xuân Huy - chuyên gia tài chính cá nhân - chỉ ra 2 kênh đầu tư tốt trong năm 2024 là cổ phiếu và vàng.

Đối với cổ phiếu, ông Huy phân tích kinh tế Việt Nam có khả năng tiếp tục hồi phục trong năm 2024, tăng trưởng GDP dự đoán 6%. Động lực sẽ đến từ đầu tư công được đẩy mạnh, xuất khẩu phục hồi, vốn FDI tăng trưởng và lãi suất huy động ở mức thấp.

Vào những ngày cuối năm 2023, lãi suất gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng đã ở ở mức thấp kỷ lục, về dưới 2%/năm, trong khi các kênh đầu tư bất động sản và trái phiếu còn nhiều khó khăn khiến dòng tiền có xu hướng chảy vào kênh chứng khoán. Hệ thống KRX đang trong giai đoạn kiểm thử cuối cùng và rất có thể sẽ được vận hành trong năm 2024. Khi đó, mục tiêu nâng hạng thị trường sẽ tiến gần hơn.

Ông Huy khuyến nghị cổ phiếu một số ngành tiềm năng trong năm sau, như dầu khí, chứng khoán, công nghệ thông tin. Với ngành dầu khí, giá dầu tiếp tục neo ở mức cao nhờ sản xuất công nghiệp thế giới dần phục hồi và nguồn cung sụt giảm do xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang ở vùng vịnh.

Ngành chứng khoán có dòng tiền lãi suất rẻ, kỳ vọng hệ thống KRX đưa vào vận hành sẽ hút dòng tiền ngoại. Đối với ngành công nghệ thông tin, quá trình chuyển đổi số vẫn diễn ra mạnh mẽ và xu hướng về công nghệ AI vẫn đang phát triển mạnh mẽ kích thích hoạt động tiêu dùng cho mảng công nghệ tăng lên.

Đối với kênh đầu tư vàng, ông Huy cho rằng xung đột chính trị leo thang khiến nhà đầu tư tìm tới các sản phẩm đầu tư an toàn, trong đó có vàng. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng giảm lãi suất năm 2024 khiến lợi suất trái phiếu và đồng USD giảm làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi như vàng.

Chọn kênh đầu tư năm 2024: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay vàng, đất? - 2

Xu hướng vàng có thể tăng giá là điều khó tránh khỏi, chuyên gia dự báo (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhìn về quá khứ, giai đoạn tháng 12/2018 đến tháng 3/2020, Fed đã ngừng tăng lãi suất và cắt giảm từ 2,25-2,5% về 0-0,25%. Trong giai đoạn đó, vàng tăng từ 1.221 USD/ounce lên 1.702 USD/ounce.

Trong năm 2024, Fed đã phát đi thông điệp kỳ vọng có ít nhất 3 đợt cắt giảm lãi suất với tổng mức giảm là 75 điểm cơ bản. Nếu lịch sử tiếp tục lặp lại, xu hướng vàng có thể tăng giá là điều khó tránh khỏi, chuyên gia dự báo.

Ưu tiên số 1: Chứng khoán

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân - quản lý gia sản Ngô Thành Huấn đưa ra những nhận định về các kênh đầu tư trong bối cảnh lãi suất thấp, cộng thêm với lạm phát thì lãi suất thực dương ở mức thấp.

Đối với kênh tiền gửi tiền gửi, ông Huấn cho rằng lãi suất đang quay lại mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế. Lý giải nguyên nhân lãi suất thấp, ông Huấn nói nguyên nhân do kinh tế "thấm đòn" giai đoạn nửa sau 2023. Tác động của nền kinh tế luôn có độ trễ trong năm 2022, nhưng đến 2023 doanh nghiệp mới suy kiệt dần.

Chưa kể, tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức thấp, người dân không còn nhu cầu vay để đầu tư nữa. Doanh nghiệp đã quá suy kiệt tại đứt gãy nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Trên thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để bằng mọi giá giảm lạm phát nên nhu cầu tiêu dùng của họ bị siết chặt. Hàng tồn kho tại Mỹ và các nước phương Tây nhiều, họ không nhập hàng nên ảnh hưởng đến nước ta. Trong nước cũng không có nhu cầu tiêu dùng cao.

"Cả trong và ngoài nước đứt gãy, doanh nghiệp kiệt quệ trong khi vẫn còn áp lực trả nợ. Mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại sẽ duy trì tối thiểu trong 2 năm tới", ông Huấn nói và dự báo lãi năm tới, với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất sẽ chỉ từ 5,5%/năm đến tối đa 7%/năm.

Về kênh vàng, kim loại quý này luôn nghịch đảo với đồng USD. "Fed sẽ giảm lãi suất trong năm 2024, sự suy yếu trong năm 2024 thì vàng sẽ tăng", ông nói. Tuy nhiên, ông cho rằng vàng không tăng nhiều vì đây là loại tài sản mang tính chất phòng thủ trong ngắn hạn.

Kim loại này rất khó để tăng mạnh. Giai đoạn 2013-2016, vàng thậm chí không tăng. Trong 2 năm gần đây, vàng tăng nên nhiều người cảm thấy hấp dẫn nhưng thực tế 4 năm gần đây, vàng miếng SJC chỉ tăng trung bình 4%. 2025 kinh tế sẽ tăng trưởng và vàng sẽ đi ngang. Tôi dự báo năm 2024 sức tăng của vàng không quá mạnh, có chăng 5% hoặc 7% đối với vàng. "2025 là năm giữ hoặc bán vàng chứ không mua", ông Huấn chỉ ra.

Dù giá vàng được neo giữ ở mức cao năm 2024, nhưng ông Huấn đưa ra nhận định giá sẽ giảm trong 2025-2026. Việc trữ vàng nhiều sẽ tạo rủi ro trong tương lai nên ông không khuyến nghị. "Vàng không thể tăng 20-30% trong một năm". Chi phí cơ hội của vàng không lớn. "Thế hệ 5x-6x có thể giữ vàng với tỷ trọng lên tới 20% trên tổng tài sản chứ 9x, 8x họ không giữ nhiều", ông nói.

Chọn kênh đầu tư năm 2024: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay vàng, đất? - 3

Chuyên gia dự báo lãi suất sẽ chỉ từ 5,5%/năm đến tối đa 7%/năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Về kênh đầu tư hiệu quả năm 2024, ông Huấn đưa ra bối cảnh thế giới đang chờ cuộc "hạ cánh mềm" của Mỹ. Châu Âu kỳ vọng tiêu dùng tốt hơn để giảm bớt hàng tồn kho và mở lại việc nhập lại hàng hóa từ các quốc gia khu vực châu Á (trong đó có Việt Nam), đặc biệt những mặt hàng thủy sản, dệt may, gỗ, giày dép… Trung Quốc tìm lại sức bật cho kinh tế... Với giả định như vậy, tới quý II/2024, ông Huấn nói sẽ có đảo chiều cho sự phục hồi kinh tế.

Cụ thể, doanh nghiệp lớn sẽ có đơn hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ có đơn và nhân viên được kỳ vọng tăng thu nhập. Điều này khiến tiêu dùng kích hoạt và nền kinh tế sẽ phục hồi.

"Chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhất bởi đây là thị trường của sự kỳ vọng", ông Huấn nói và ví thị trường chứng khoán như một chiếc lò xo nhạy. Theo ông, thị trường chứng khoán đi trước nền kinh tế từ 3-6 tháng, chi phí cơ hội lớn. Đây cũng là kênh đầu tư có biên độ lớn.

Sau chứng khoán, ông Huấn đề cập đến bất động sản ở khu vực trung tâm, thổ cư, chung cư, nhà đất… sau đó mới tới phân khúc đầu cơ như đất nông nghiệp, phân lô bán nền. Phân khúc này, theo ông phải chờ đến đầu năm 2025 mới có nhiều cơ hội.

"Ưu tiên số 1 phải là kênh chứng khoán, nếu nhà đầu tư có niềm tin vào sự phục hồi kinh tế", ông nhấn mạnh.

Xem thêm: mth.03542258010104202-tad-gnav-yah-naohk-gnuhc-gnah-nagn-iug-4202-man-ut-uad-hnek-nohc/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad

Comments:0 | Tags:Kinh doanh

“Chọn kênh đầu tư năm 2024: Gửi ngân hàng, chứng khoán hay vàng, đất?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools