Cô Walaa Zaiter có 4 đứa con. Suốt nhiều tuần qua, cô hầu như không thể tìm được thức ăn cho con.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với báo New York Times, cô Zaiter nói trong những ngày này cô chỉ có một lon đậu Hà Lan, một ít phô mai và một thanh năng lượng được Liên Hiệp Quốc phân phát theo khẩu phần cho một gia đình, mỗi tuần một lần ở Rafah. Dĩ nhiên, với ngần này thức ăn, cô không thể nuôi sống gia đình 7 người.
Các con của cô Zaiter từ 9 tháng tuổi đến 13 tuổi. "Đây là cuộc đấu tranh hằng ngày. Tôi thấy mình bị áp lực và tuyệt vọng, nhưng không thể làm gì", cô Zaiter nói.
Trong một báo cáo gần đây, Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc chiến của Israel ở Gaza đã gây ra một thảm họa nhân đạo. Một nửa trong số 2,2 triệu người có nguy cơ chết đói và 90% tổng số nói rằng họ thường xuyên không có thức ăn trong cả ngày.
Ông Arif Husain, nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cho biết thảm họa nhân đạo ở Gaza là một trong những thảm họa tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến.
"Tôi làm công việc này được khoảng 20 năm. Tôi từng có mặt ở hầu hết mọi cuộc xung đột, cho dù là Yemen, Nam Sudan, Đông Bắc Nigeria, Ethiopia… Và tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như ở Gaza, về quy mô, cấp độ cũng như tốc độ diễn ra", ông Husain cho hay.
Ông Eylon Levy, người phát ngôn của Chính phủ Israel, tuyên bố nước này không cản trở hoạt động hỗ trợ nhân đạo, và đổ lỗi cho Hamas về tình hình hiện tại.
Ông Levy cáo buộc Hamas đã chiếm giữ một số khoản viện trợ cho mục đích riêng. Ông Levy không cung cấp bằng chứng, nhưng các quan chức phương Tây và Ả Rập nói rằng Hamas được biết là có một kho dự trữ lớn vật tư, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.
Ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ người Palestine, cho biết gần đây ông đã chứng kiến những người dân Gaza đói khát tới nỗi chặn xe tải viện trợ ở Rafah, đột kích kho thực phẩm và ăn ngay tại chỗ.
"Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này", ông Lazzarini nói trong một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hai ngày sau khi đến thăm Rafah ở miền nam Gaza. "Ở mọi nơi tôi đến, mọi người đều đói khát, tuyệt vọng và kinh hãi".
Ông Keshawi, người đã trốn khỏi nhà ở thành phố Gaza ở phía bắc và đang sống trong một căn lều trên vỉa hè ở Rafah cùng các con, cho biết: "Cơn ác mộng hằng ngày của chúng tôi là đi tìm thức ăn".
"Tôi không thể tìm thấy bột mì", ông Keshawi nói. "Tôi không thể tìm được men để làm bánh mì. Tôi không thể tìm thấy bất kỳ loại thực phẩm nào - cà chua, hành tây, dưa chuột, cà tím, chanh, nước cam".
Khi có thực phẩm để bán thì giá tăng vọt. Ở Rafah, một bao bột mì trước chiến tranh có giá 13 USD, giờ được bán với giá lên tới 165 USD. Hộp cá ngừ từng có giá chưa đến 30 xu và hiện có giá hơn 1,5 USD. Thịt bò muối từng có giá khoảng 1,4 USD, nhưng hiện nay đã lên tới hơn 5,5 USD.
Bà Tahrir Muqat, 46 tuổi, cho biết bà đã trốn khỏi nhà ở thành phố Gaza và hiện sống cùng 4 người thân, trong đó có một em bé, tại trại tị nạn Maghazi ở trung tâm Gaza.
Theo bà Muquat, hầu như không có nước máy và khi hiếm hoi có nước thì mọi người tích trữ trong bồn cầu và uống từ đó.
Bức tranh toàn cảnh của thế giới năm 2023 vừa khép lại với quá nhiều thương vong và chia rẽ, trong đó có hai cuộc xung đột lớn ở Ukraine và Dải Gaza. Thế giới 2024 sẽ định hình từ kết quả hai cuộc chiến này.