Từ 1-7, lộ trình cải cách tiền lương sẽ chính thức được thực hiện theo nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cùng với đó sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Nội dung này đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh lãnh đạo
Trao đổi với báo chí nhân dịp đầu năm mới 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1-7-2024 là quyết sách rất lớn của Quốc hội.
Ông nhấn mạnh đây không phải vấn đề tăng lương bình thường, mà là vấn đề cải cách tổng thể chính sách tiền lương.
Việc này được thực hiện theo nguyên tắc trả theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo. Việc này phù hợp với năng lực, đóng góp của cá nhân và với vai trò của họ, đảm bảo thu nhập không thấp hơn trước.
Sau khi thực hiện chính sách tiền lương mới này, tất cả cơ chế thu nhập đặc thù sẽ bãi bỏ. Đồng thời, nếu chuyển sang tiền lương mới mà thấp hơn lương, thu nhập hiện hành thì đảm bảo sẽ bằng mức hiện hành.
Bên cạnh đó trong cải cách chính sách tiền lương lần này sẽ dành ra 10% quỹ lương cho người sử dụng lao động trả khen thưởng, động viên nhân viên. Mức chi khen thưởng này tùy thuộc vào sự cống hiến của từng cá nhân.
"Do đó có người được rất nhiều nhưng có người không được gì cả. Tất cả tùy vào mức độ cống hiến", ông nói thêm.
Lãnh đạo nhiều nước ngạc nhiên khi Việt Nam dành 560.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương
Liên quan nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội nói Quốc hội biết rất rõ nguồn lực để cải cách tiền lương tác động đến các vấn đề vĩ mô, vi mô ra sao.
Ông nhấn mạnh quan điểm của Quốc hội là "chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển". Vì vậy, việc dành nguồn để cải cách tiền lương đã được quán triệt rõ ràng trong nghị quyết của trung ương.
Ông cho biết lãnh đạo nhiều nước khi thấy Việt Nam thông báo đã dành 560.000 tỉ đồng để chuẩn bị cho cải cách tiền lương từ nay đến năm 2026 thì "rất ngạc nhiên".
"Người ta nghĩ Việt Nam có đồng nào mang đi làm đường cao tốc hết rồi, nhưng không phải, việc nào ra việc đấy.
Tăng thu ngân sách trung ương phải dành 40% để cải cách tiền lương, dứt khoát không nói xuôi nói ngược gì hết. Còn 60% để làm việc khác", ông Huệ nhấn mạnh.
Còn với khoản tăng thu ngân sách địa phương, ông nhấn mạnh phải dành 50% để cải cách tiền lương, còn lại 50% chi cho các khoản khác. Đặc biệt, dù nguồn cải cách tiền lương chưa dùng đến cũng không thể đem đầu tư chỗ khác.
Ông nhấn mạnh đây là nội dung đã được ghi trong nghị quyết của trung ương, không thể thay đổi, phải kiên trì mới có nguồn để làm.
Ông đánh giá khi chưa cải cách được tổng thể chính sách tiền lương thì việc tăng mức lương tối thiểu từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng là một trong những quyết sách nổi bật của Quốc hội năm 2023.
Ông Huệ nêu rõ chỉ số tiêu dùng của Việt Nam những năm qua ở mức khá nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Với quyết định tăng lương tối thiểu lên 1,8 triệu đồng, cán bộ, công chức, viên chức đều được thụ hưởng, là hình thức kích cầu tiêu dùng, tạo thêm động lực cho nền kinh tế...
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ so với năm trước, khối lượng công việc của Quốc hội năm 2023 nhiều hơn, có thể nói là 'nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay'.