Thị trường trải qua tuần giao dịch cuối cùng của năm với diễn biến tích cực. Cụ thể, VN-Index tăng 2,44% so với tuần trước lên mốc 1.129,93 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn trái ngược nhau khi tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần trên HoSE đạt 16.074 tỷ đồng, tăng 16% so với tuần trước. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần trên sàn HNX đạt 1.221 tỷ đồng, giảm 12% so với tuần trước.
Nhóm ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của VN-Index trong tuần qua khi có tới 5 cổ phiếu là VPB, BID, TCB, HDB và CTG góp mặt trong top 10 cổ phiếu tích cực nhất, giúp chỉ số tăng tổng cộng gần 6,4 điểm.
Tuy nhiên, cổ phiếu “vua” VCB thuộc nhóm ngân hàng lại có diễn biến tiêu cực khi trở thành gánh nặng và lấy đi 0,7 điểm của thị trường chung.
Điểm sáng bất ngờ trong tuần đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Sau hai tháng miệt mài bán ròng liên tiếp, khối ngoại bất ngờ trở lại mua ròng trong 3 phiên cuối tuần trước. Điều này giúp giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đạt 269 tỷ đồng.
Dự báo tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, ông Bùi Khoa Bảo - Trưởng phòng đầu tư, CTCK VPS và ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô CTCK VNDirect đều đưa ra góc nhìn tương đối tích cực với xu hướng của VN-Index tuần tới.
Người Đưa Tin (NĐT): Tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 ghi nhận diễn biến tích cực khi chỉ số lên sát mốc 1.130 điểm. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến thị trường tuần qua và năm 2023?
Ông Đinh Quang Hinh: Nhìn tổng thể, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong xu thế phục hồi, tạo đà cho sự tăng trưởng tích cực hơn trong các năm tới.
Đúng như kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã duy trì xu hướng phục hồi trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 và tiến sát tới mốc 1.130 điểm. Điểm nổi bật trong tuần qua là động thái đảo chiều mua ròng của khối ngoại đã giúp tháo gỡ nút thắt tâm lý của thị trường suốt một tháng qua.
Tôi kỳ vọng rằng đà mua ròng của khối ngoại có thể tiếp diễn trong những tuần giao dịch đầu năm mới vì thông thường thời điểm đầu năm là khoảng thời gian giải ngân ưa thích của khối ngoại.
Ông Bùi Khoa Bảo: Theo tôi, 2023 là một năm gặp nhiều khó khăn, bất lợi đến từ các thông tin vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sau khi trải qua cú sập lớn năm 2022 trước đó, thì 2023 là một năm để toàn bộ thị trường cân bằng trở lại và xác định một nền giá mới phù hợp với tình hình vĩ mô và bối cảnh kinh tế hiện tại.
Trong tuần cuối cùng của năm 2023, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng sau 20 phiên bán ròng liên tục, trong khi đó, tự doanh của các công ty chứng khoán cũng tăng cường mua ròng.
Sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại ở giai đoạn cuối năm có thể chưa đủ để khẳng định xu hướng quan tâm trở lại của họ đối với thị trường Việt Nam, nhưng cung cấp một số quan sát mới.
NĐT: Thị trường đang bước vào tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, theo ông đâu là những thông tin đáng lưu ý trong tuần tới và hành động của nhà đầu tư vào thời điểm này là gì?
Ông Đinh Quang Hinh: Bước sang năm mới, trong bối cảnh thị trường xuất hiện một vài thông tin hỗ trợ quan trọng như tăng trưởng tín dụng cải thiện đáng kể trong tháng 12; Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 6,72% trong quý IV/2023 và 5,05% trong cả năm 2023 đã cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét hơn của nền kinh tế.
Ngoài ra, lạm phát tháng 12 tăng 3,58% so với cùng kỳ và cả năm 2023 bình quân tăng 3,25% so với cùng kỳ cho thấy áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện để tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để phục hồi tăng trưởng.
Do đó, tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể duy trì xu hướng tăng trong tuần giao dịch đầu năm 2024 với chỉ số VN-Index hướng tới vùng kháng cự mạnh quanh 1.150 điểm.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cổ phiếu ở mức hợp lý (70 - 80% danh mục) và quan sát diễn biến cung cầu của VN-Index tại vùng kháng cự trên để quyết định tiếp tục nắm giữ hay hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu.
Ông Bùi Khoa Bảo: Giai đoạn tới, nhà đầu tư nên chờ hành động phản ứng của Ngân hàng Nhà nước ra sao khi CPI của Mỹ đã hạ nhiệt và FED sẽ ngừng tăng lãi suất.
Mặc dù trái phiếu không còn là câu chuyện “nóng” của thị trường, nhưng rõ ràng kênh này đang hút nhiều nguồn lực của thị trường để giải quyết. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi việc xử lý trái phiếu giai đoạn tới sẽ thế nào, giải quyết được bao nhiêu %.
Theo tôi, động lực chính cho năm 2024 mạnh nhất sẽ là nhóm ngân hàng, bởi năm 2023 tình hình của nhóm này đã trong giai đoạn xấu nhất khi phải huy động mặt bằng lãi suất cao, nhưng lại cho vay với lãi suất thấp khiến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang phải hỗ trợ các doanh nghiệp rất lớn trong việc xử lý trái phiếu.
Nhưng sang 2024 sẽ khác, biên lãi ròng của ngân hàng sẽ cải thiện và tăng dần lên khi nguồn vốn huy động cao hết đi và thay bằng một mặt bằng vốn huy động rẻ. Các khoản trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ được giải quyết dần sang năm và không còn là vấn đề quá lớn.