Hai sinh viên Trần Nhật Thanh Huy và Huỳnh Nguyễn Anh Kiệt (ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, khoa đào tạo quốc tế, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chế tạo hệ thống chống chập mạch và cháy nổ xe máy - Video: NGỌC PHƯỢNG
Bắt đầu nghiên cứu vào cuối tháng 9-2023, qua gần 3 tháng, nhóm sinh viên Trần Nhật Thanh Huy và Huỳnh Nguyễn Anh Kiệt (ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, khoa đào tạo quốc tế) đã chế tạo bộ sản phẩm hoàn chỉnh với tên gọi "Hệ thống chống chập mạch và chống cháy nổ xe máy".
Thanh Huy chia sẻ: "Mục đích của tụi mình khi làm ra hệ thống này là giúp xe máy an toàn, giúp mọi người an tâm gửi xe trong các hầm, chung cư, bãi xe công cộng khi không chủ động quan sát xe được".
Hệ thống gồm có cảm biến nhận biết khói, cảm biến đo dòng điện, cảm biến nhiệt độ, cảm biến phát hiện hơi xăng, hồng ngoại, lửa; module relay (hay còn gọi là công tác tổng để ngắt điện toàn xe); còi báo động và bộ chữa cháy tự động.
Hệ thống này hoạt động dựa trên bo mạch Arduino, sẽ nhận và phát tín hiệu điều khiển thiết bị để bảo vệ xe, tự khởi động bình chữa cháy trong trường hợp nguy hiểm.
Bạn Anh Kiệt cho biết nhờ ứng dụng môn học thực tập điều khiển động cơ và lập trình điều khiển ô tô, nhóm vận dụng được kiến thức để có thể lập trình thiết bị, đọc hiểu sơ đồ xe máy.
"Sắp tới nhóm mình dự định cải tiến mô hình thành kết nối không dây, gắn thêm camera xử lý ảnh, nhận biết các xe xung quanh đang cháy, thông báo chủ xe hoặc cơ quan chức năng biết ở vị trí đó đang xảy ra cháy" - Kiệt nói thêm.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó chủ tịch Hội Ô tô - máy động lực TP.HCM, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - chia sẻ: "Đề tài này rất thiết thực, bởi các vụ cháy như ở chung cư Carina, chung cư mini khiến nhiều người vô tội thiệt mạng mà xuất phát điểm là xe máy bị chập điện. Ưu điểm của hệ thống là các bạn sử dụng nhiều cảm biến rất nhạy như phát hiện khói, nhiệt… để cúp điện toàn bộ xe máy. Nếu xảy ra cháy thì trên xe cũng trang bị bình chữa cháy mini, hệ thống sẽ kích hoạt chữa cháy kịp thời, mức độ phòng chống cao".
Ông Dũng nói thêm: "Hệ thống với giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng với nhiều ưu điểm thì có thể hoàn toàn thương mại hóa được, lắp dễ dàng, giá thành rẻ. Mong rằng sản phẩm sẽ được chuyển giao công nghệ để thương mại hóa góp phần chống cháy nổ ở các chung cư, bãi xe, ký túc xá".
TT - Nhiều SV Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã có những sáng chế hữu ích. Họ dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình có được từ việc cắt giảm chi tiêu, làm thêm... để lao vào nghiên cứu khoa học, và cũng là để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo.