Tỉ lệ sống sót sau ung thư ở Anh đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua. Giờ đây, tốc độ tăng của các ca ung thư mới đang đòi hỏi Chính phủ Anh có những chiến lược mới phù hợp hơn.
Sẽ có vắc xin ngừa ung thư
Chính phủ Anh có tham vọng đưa đất nước trở thành "không khói thuốc" bằng lệnh cấm mới nhằm ngăn giới trẻ hút thuốc và giảm tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc xuống dưới 5% vào năm 2030. Kết hợp với giảm uống rượu và điều chỉnh chế độ ăn uống ở người trung niên, Cancer Research UK kỳ vọng sẽ có hàng nghìn ca mắc bệnh mỗi năm được ngăn ngừa.
"Người dân đang theo dõi rất chặt chẽ để xem liệu sẽ có một chiến lược rõ ràng, sự lãnh đạo mạnh mẽ và kế hoạch phù hợp với nguồn tài trợ, đảm bảo chúng ta không bị tụt hậu trên thế giới về sống sót sau ung thư. Hiện tại vẫn chưa đủ tốt", bà Michelle Mitchell, giám đốc điều hành Cancer Research UK, nói.
Theo phát ngôn viên của Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội, nghiên cứu và khoa học đời sống rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.
"Chúng tôi cũng đã hợp tác với BioNTech và Moderna để giúp các bệnh nhân ở NHS trở thành những người đầu tiên trên thế giới được hưởng lợi từ vắc xin ung thư", người này cho biết.
Thiếu hụt tiền nghiên cứu
Theo bà Mitchell, Vương quốc Anh có nguy cơ mất vị thế là siêu cường nghiên cứu về bệnh ung thư. Đầu tư sẽ không theo kịp gánh nặng ngày càng tăng.
Phân tích của tổ chức này cho thấy nếu thu nhập từ hoạt động gây quỹ không thay đổi, ngay cả khi chính phủ tăng tài trợ cho các dự án nghiên cứu, vẫn sẽ thiếu hụt khoảng 1 tỉ bảng Anh trong vòng một thập kỷ.
Khoảng 2/3 nghiên cứu về ung thư được tài trợ công của Anh là do các tổ chức từ thiện hỗ trợ vào năm 2019, tương đương khoảng 400 triệu bảng Anh. Tiến sĩ Owen Jackson, giám đốc chính sách của Cancer Research UK, dự đoán vài năm tới tài trợ sẽ khó khăn do lạm phát.
Bên cạnh đó, tác động của Brexit, sự gián đoạn trong các thử nghiệm lâm sàng do đại dịch COVID-19 gây ra và tình trạng thiếu kinh phí so với các đối tác như Mỹ đồng nghĩa với việc "thu hút nhân tài đến Vương quốc Anh khó khăn hơn nhiều" để thực hiện các nghiên cứu, theo bà Mitchell.
Chết vì ung thư da do không trả tiền xét nghiệm riêng
Ngày 1-1, The Telegraph đưa tin một bệnh nhân 24 tuổi đã qua đời vì ung thư da sau khi từ chối làm xét nghiệm kiểm tra mẫu bệnh phẩm.
Năm 2019, Gregor Lynn đã đến gặp bác sĩ đa khoa để thăm khám một tổn thương "khó chịu" ở sau gáy. Lynn trả 140 bảng Anh loại bỏ vết tổn thương này, nhưng quyết định không chi thêm 65 bảng Anh để gửi mẫu đi phân tích xem liệu nó có ác tính hay không, một thủ tục vốn được miễn phí tại NHS.
Khoảng 14 tháng sau, vết thương vẫn còn dai dẳng, Lynn quay lại gặp bác sĩ và phát hiện ung thư da. Kết quả khám cho thấy ung thư đã di căn và dù được điều trị, Lynn qua đời chỉ hơn hai năm sau.
Caroline Jones, trợ lý điều tra viên của hạt Cambridgeshire và Peterborough, hiện đã viết thư cho NHS và Bộ Y tế để nêu lên mối lo ngại về vụ việc.
Theo Jones, NHS có những tiêu chí chấp nhận các trường hợp bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chăm sóc. Những người không thỏa tiêu chí sẽ quay về các bệnh viện tư, nơi tính phí một số dịch vụ. Mức phí này có thể là lý do khiến nhiều người không thể chi trả và phải đánh đổi bằng tính mạng.
Tầm soát ung thư gây lãng phí không cần thiết trong nhiều trường hợp. Do đó cần phải qua khâu tư vấn, sàng lọc trước khi thực hiện tầm soát để đạt hiệu quả, đúng mục đích.