Báo cáo của Nikkei Asia, 700 triệu USD có thể chưa phải mức thiệt hại cuối cùng. Bởi hãng còn phải chịu chi phí điều tra, kiểm tra an toàn bổ sung và tiến hành các cuộc đàm phán mới với nhà cung cấp.
Chuyên gia Seiji Sugiura của Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết: "Tùy thuộc vào quy mô bồi thường, thiệt hại của Daihatsu có thể lên tới 100 tỉ yen (700 triệu USD) hoặc hơn".
Nếu tác động của vụ bê bối khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí, đây sẽ là khoản lỗ đầu tiên của Daihatsu trong 30 năm qua.
Báo cáo cho rằng Daihatsu sẽ không gặp vấn đề quá lớn về dòng tiền, nhờ tính thanh khoản vững chắc. Song thiệt hại đáng kể như vậy vẫn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động dự kiến khoảng 4,5 nghìn tỉ yen (khoảng 31,8 tỉ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước) trong năm 2023 của Toyota.
Ngoài ra, thiệt hại 700 triệu USD có thể chỉ là bắt đầu. Bởi Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã cho tạm dừng vận chuyển Daihatsu trong thời gian điều tra.
Thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 60% trong tổng số 1,42 triệu xe do Daihatsu sản xuất hằng năm, bao gồm cả các mẫu xe được gắn logo Perodua và Toyota như Toyota Vios, Rush.
Hiện tại, mới chỉ có các chuyến hàng đến Indonesia và Malaysia được nối lại. Việc sản xuất cho Nhật Bản và các thị trường khác vẫn bị đình chỉ, ít nhất cho đến cuối tháng 1-2024. Toyota Việt Nam cũng chưa ra thông báo khi nào sẽ tiếp tục phân phối Avanza MT.
Daihatsu là đơn vị quan trọng trong chiến lược của Toyota ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, bê bối gian lận thử nghiệm an toàn đặt ra câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với Daihatsu - một trong những nhà sản xuất động cơ đốt trong lâu đời nhất Nhật Bản?