Như Thanh Niên thông tin, rạng sáng 1.1, sau khi hàng vạn người đổ về trung tâm TP.HCM như phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng đếm ngược, chiêm ngưỡng pháo hoa đón năm mới 2024, nhiều khu vực "trắng xóa"... rác. Đó là những tấm bạt được trải lên thảm cỏ, là túi nhựa, bao ni lông đựng đồ ăn vặt, là những thức ăn thừa, bã đậu phộng, vỏ trứng… Tất cả đều để lại ngổn ngang, gây mất mỹ quan đường phố và những công trình công cộng khu vực trung tâm.
Dồn rác hết vào một túi ni lông, sau đó cầm mang đi, chị Hồng Nhung (34 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đó là rác mà gia đình mình sử dụng khi cùng "đi picnic" vào buổi tối ở công viên bến Bạch Đằng chờ xem pháo hoa.
"Pháo hoa năm nay đẹp vô cùng, rực rỡ, mãn nhãn luôn. Nhưng sau đó, hết pháo hoa thì mọi người đều thấy đó, rác chất đống, ngổn ngang làm mất vệ sinh vô cùng. Tôi nghĩ người văn minh là người biết tự dọn rác của mình. Tôi đã tự dọn rác của mình, định tìm thùng rác xung quanh đây vứt mà đầy rồi. Tôi sẽ tìm thùng rác khác", chị Nhung nói.
Anh Hào (19 tuổi) cũng cho biết vì tiết kiệm, anh không mua những tấm bạt trải hay quá nhiều đồ ăn, đồ uống trong lúc chờ xem pháo hoa. Chỉ vào ly nước đang cầm trên tay đã hết, anh nói sẽ mang nó tìm chỗ vứt. Nhìn khu vực Công viên bến Bạch Đằng đầy rác xung quanh, anh cho biết nếu mọi người ý thức hơn, sẽ giúp cho những công nhân vệ sinh môi trường đỡ nhọc nhằn hơn phần nào.
"Mình thường đến những sự kiện đông người như thế này và thấy mọi người hay vứt rác lung tung. Mình thì không dám nhắc ai, chỉ nhắc bạn bè hay người thân mình. Nhưng mình nghĩ đây là điều cơ bản, ai cũng cần phải biết và có ý thức", chàng trai trẻ cho biết.
Ý thức quá kém
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên phê phán hành vi thiếu ý thức của nhiều người dự lễ hội khi vứt rác bừa bãi.
"Biết pháo hoa đẹp, biết cảnh quan đẹp nhưng nhiều người không biết việc vứt rác bừa bãi là tự hạ nhân cách của mình trước cái đẹp", BĐ Minh Do bức xúc. Cùng quan điểm, BĐ Tuyen Ngo ý kiến: "Nói nhiều người Việt Nam không ý thức thì nói này nọ, chứ nhìn công nhân họ dọn dẹp từng đó rác vậy cho hỏi ý thức nằm đâu".
Còn BĐ Kim Vui viết: "Đất nước ta còn lâu mới phát triển nổi nếu một bộ phận rất lớn thiếu ý thức. Hội hè gì xong là mặc định chỗ đó ngập rác. Mưa to thì ra sức lùa rác theo dòng nước xuống cống, họp chợ thì ra sức vứt rác tại chỗ hoặc kênh mương nào sát cái chợ là con kênh đó rác và rác. Giáo dục con người quan trọng lắm".
"Ý thức của một số người quá tệ. Ích kỷ chỉ biết đẹp bản thân, bẩn của chung thì kệ. Biết thưởng thức cái đẹp thì cũng nên biết thế nào là có văn hóa, ứng xử văn minh. Những sự kiện này đa số quy tụ những người trẻ mà ý thức thế này thì rất đáng lo ngại", BĐ Đỗ Tân ý kiến.
Luật phải nghiêm hơn
Nhiều ý kiến cho rằng luật phải nghiêm thì mới dần dần tạo thói quen và ý thức của người dân.
"Nếu có các biển cấm, các điều luật như Singapore thì mọi thứ sẽ khác. Ý thức dân tộc là có nhưng con người đã cố quên bởi lối suy nghĩ: đất của người ta, sông của người ta, đường của người ta... mình cứ mặc xả cho đã tay. Nếu họ xả vương vãi trong nhà họ ai nói gì đâu. Đừng đổ lỗi giáo dục trong nhà trường hay gia đình. Nếu các điều luật trở nên khắt khe thì mọi thứ sẽ khác", BĐ Dai Thong thẳng thắn.
Tương tự, BĐ Tiến Lộc ý kiến: "Chúng ta đã có luật Bảo vệ môi trường, tuy nhiên có mấy ai bị xử lý khi vứt rác bừa bãi đâu, vì vậy những người thiếu ý thức họ đâu có sợ. Thiết nghĩ việc xử lý các hành vi vi phạm của luật cần phải thật cụ thể hơn, chi tiết hơn và có tính răn đe mạnh hơn. Ý thức kém thì luật phải nghiêm. Đừng trông chờ vào ý thức của họ mà phải dùng pháp luật để điều chỉnh hành vi của họ".
"Luật pháp nghiêm minh thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Những ai xả rác bừa bãi thì ngoài phạt tiền thật nặng, phải kèm theo lao động công ích. Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài thì răm rắp tuân thủ luật lệ các nước sở tại, đố dám xả rác lung tung vì họ phạt rất nặng. Trong khi đó về Việt Nam thì đâu lại vào đấy là do luật của chúng ta chưa nghiêm", BĐ Khánh Đoàn thẳng thắn.