Bộ Tài nguyên và Môi trường vận hành hơn 1.800 trạm quan trắc
Ngày 2-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đơn vị này đã tiếp nhận, quản lý thống nhất số liệu quan trắc môi trường tự động từ các trạm quốc gia và các địa phương, doanh nghiệp với tổng 1.879 trạm thông qua phần mềm Envisoft. Dữ liệu từ các trạm quan trắc được truyền về liên tục với tần suất 60 phút/lần, thậm chí 5 phút/lần.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống các trạm quan trắc tự động đã cung cấp chuỗi số liệu liên tục thông tin về diễn biến chất lượng môi trường cho cộng đồng một cách kịp thời.
Số liệu từ các trạm quan trắc đã cung cấp một phần bức tranh hiện trạng môi trường không khí, nước trên phạm vi toàn quốc, giúp cơ quan quản lý nhận diện những nơi ô nhiễm để điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý thiết thực.
Với nỗ lực hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc, đến nay, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã kiểm soát được khoảng 80% vấn đề môi trường. Đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương. Đồng thời tập trung quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp có tiếp tục được niêm yết trên sàn chứng khoán?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 155 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung khoản 7 vào sau khoản 6 điều 120 nội dung "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".
Thời gian đăng tải lấy ý kiến đến ngày 5-1-2024.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp bị buộc phải hủy niêm yết. Một trường hợp mới đây cũng nằm trong diện có "nguy cơ", là cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines.
HoSE từng lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết, nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Sau thời gian dài trì hoãn, đến tháng 12-2023, Vietnam Airlines cuối cùng đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 với lợi nhuận sau thuế âm 11.223 tỉ đồng - đánh dấu 3 năm liền thua lỗ.
Việt Nam thu 2,89 tỉ USD từ xuất khẩu cao su năm 2023
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 2,89 tỉ USD, giảm 0,04% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với năm 2022.
Năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giá cao su xuất khẩu giảm mạnh, nên trị giá xuất khẩu cao su thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sự phục hồi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc yếu hơn so với các dự báo, khiến sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán cao su đều ở mức thấp.
Năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhất là các thị trường lớn như Ấn Độ, Mỹ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Nga, Indonesia, Tây Ban Nha…
Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt về lượng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Cộng hòa Czech... Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.
Đến 2030 sẽ xuất khẩu hơn 26 tỉ USD sản phẩm nông sản
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm.
Tỉ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương...) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%.
Tỉ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỉ USD. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng.
Phấn đấu đến năm 2050, trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới…
Bắt đầu tiếp nhận hồ sơ phẫu thuật dị tật miễn phí
Ban tổ chức chương trình Chắp cánh ước mơ thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký phẫu thuật miễn phí 100% cho bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, bị dị tật bẩm sinh và di chứng, biến dạng sau chấn thương ở đầu, mặt, cổ và tứ chi.
Đây là chương trình phẫu thuật thiện nguyện thường niên do Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc phối hợp với hai tổ chức Facing The World (Anh) và NUOY (Mỹ) cố vấn chuyên môn.
Các mặt bệnh chương trình sẽ triển khai phẫu thuật gồm dị tật bẩm sinh các vùng đầu, mặt, cổ, xương hàm, tay chân như dị tật tai nhỏ, dị tật không có vành tai, hở môi - vòm miệng, phì đại xương hàm, lệch hàm, thừa thiếu ngón, khoèo tay chân; di chứng/biến dạng sau chấn thương như biến dạng mũi, gãy xương ổ mắt; u tuyến nước bọt...
Ban ổ chức cho biết có thể gọi đến đường dây nóng 093.223.2017 để gửi hồ sơ cho chương trình.
Một số tin tức đáng chú ý: Tăng thời hạn giấy xác nhận thông tin cư trú; 10 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất năm 2023; TP.HCM bắt đầu tiêm bù vắc xin 5 trong 1 cho trẻ...