Thị trường hồ tiêu dần hồi phục
Đầu tháng 1/2024, giá tiêu duy trì ổn định trong khoảng 80.000 - 81.500 đồng/kg. Tổng kết năm 2023, giá tiêu nội địa tăng trung bình 22.000 đồng/kg. Đáng chú ý, năm 2022 giá tiêu nội địa mất trung bình 22.000 đồng/kg. Thị trường đầu năm 2024 đang ở mức xuất phát giống như đầu năm 2022.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 81.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm 2/1 ở mức 80.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm qua ở mức 80.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm qua ở mức 80.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm qua được thu mua với mức 81.500 đồng/kg.
Thị trường hồ tiêu trầm lắng trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu giảm giúp thương lái trong nước hạ giá thu mua để cân đối trước vụ thu hoạch sắp diễn ra.
Tháng cuối cùng của năm 2023, giá tiêu nội địa tăng từ 7.500 đến 9.000 đồng/kg. Có lúc thị trường vượt 85.000 đồng/kg, nhưng bị lực bán tháo tại đỉnh kéo mạnh xuống. Chuyên gia đánh giá, ngoài các yếu tố cung cầu, giá tiêu tháng 12/2023 trong nước chịu tác động lớn từ giới đầu cơ. Nguyên nhân xuất phát từ nguồn cung dự kiến sụt giảm trong vụ sau.
Tháng 12/2023, thị trường có 2 lần giảm ngay khi vừa chinh phục mốc 85.000 đồng/kg. Lần trước đà giảm đưa thị trường về dưới 80.000 đồng/kg rồi bật tăng trở lại ngay. Chuyên gia nhận định, lần giảm này của thị trường sẽ khó hồi phục hơn.
Sau nhiều năm giá cả xuống thấp khiến người nông dân ngao ngán, năm 2021 bất ngờ chứng kiến sự tăng trường mạnh mẽ của cây hồ tiêu. Chỉ trong năm 2021, giá tiêu tăng hơn 50%, thậm chí tăng mạnh ngay trong vụ thu hoạch.
Thị trường toàn cầu sôi động dịp cuối năm 2023 do nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ tăng đã đẩy giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong dịp tháng 12.
Vì thế, từ tháng 12/2023, giá “vàng đen” xuất khẩu của nước ta tiếp đà tăng mạnh. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa những ngày đầu tháng 12/2023 liên tục tăng. Mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu, nhưng nhu cầu của châu Âu và Mỹ tăng trở lại khiến giá bán “vàng đen” tăng mạnh.
Nguyên nhân giá hạt tiêu liên tục tăng một phần đến từ mối lo nguồn cung trong tương lai không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, trước sự cạnh tranh của nhiều loại cây trồng khác có giá trị thương phẩm cao như cà phê, sầu riêng,... khiến diện tích và sản lượng hồ tiêu trong nước ngày càng giảm. Từ hơn 130.000 ha năm 2020 xuống chỉ còn 120.000 ha vào năm 2023.
Lợi nhuận bình quân từ cây sầu riêng đang cao hơn 20 lần so với hồ tiêu nên dự báo, diện tích hồ tiêu còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nông dân đang chặt bỏ hồ tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác, nhiều nhất là sầu riêng. Nguyên nhân chính là do giá hồ tiêu xuống thấp suốt thời gian dài, bà con chán nản, giảm đầu tư chăm sóc vườn tiêu, khiến nhiều trụ tiêu bị bệnh, giảm năng suất khoảng 30% so với thời kỳ đỉnh cao.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm, năm 2020, diện tích đạt hơn 130.000 ha, năm 2023 còn 120.000 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Hiện lợi nhuận từ cây sầu riêng cao hơn 20 lần so với hồ tiêu. Do đó, dự báo hồ tiêu sẽ còn giảm diện tích do nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng.
Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam lo ngại, nếu diện tích hồ tiêu vẫn tiếp tục giảm, khả năng các doanh nghiệp phải tăng nhập hàng từ Campuchia, Brazil. Việc tăng nhập khẩu sẽ khiến ngành hồ tiêu của nước ta bấp bênh, rủi ro bởi không chủ động được sản xuất, khó kiểm soát chất lượng, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.
Tính đến quy hoạch lâu dài
Ông Hoàng Phước Bính - Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai thừa nhận, do giá hạt tiêu “nằm đáy” trong một thời gian dài nên người nông dân ở nhiều vùng trồng có xu hướng chặt bỏ hồ tiêu để chuyển sang các cây ăn quả cho thu nhập cao hơn, đặc biệt là cây sầu riêng.
“Nhiều nhà vườn trồng xen canh hồ tiêu và sầu riêng. Từ năm ngoái đến nay sầu riêng trúng giá, cho lợi nhuận cao. Thế nên, họ phá bỏ tiêu để tập trung cho cây sầu riêng. Đây cũng là lý do nguồn cung hạt tiêu sụt giảm”, ông Bính nói.
Theo ông Bính, hồ tiêu trồng đến năm thứ 4 mới cho thu hoạch. Trong khi, dự báo nguồn cung trên toàn cầu năm 2024 sẽ thiếu hụt, nhu cầu lại tăng. Khi đó, loại hạt này sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới.
Giá hạt tiêu trên 80.000 đồng/kg nông dân đã có lời. Nếu đạt trên 100.000 đồng/kg thì thu nhập của người trồng hồ tiêu ổn định. Giá hạt tiêu đang vào đà tăng, ông Bính khuyến cáo nhà vườn không vội vàng phá bỏ cây trồng này. Bởi, khi giá tăng mới bắt đầu trồng lại thì sẽ lỡ mất chu kỳ tăng giá của mặt hàng này.
“Việt Nam có thể chỉ còn 60.000 - 70.000 ha hồ tiêu, bằng một nửa so với số liệu công bố năm 2021. Trong đó, tổng diện tích hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai khoảng trên 13.500 ha, tập trung ở các huyện Chư Sê, Đăk Đoa, Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai. Với thực tế giá tiêu ở mức thấp kéo dài như hiện nay, diện tích sẽ còn giảm, kéo theo sản lượng giảm”, ông Bính cho hay.
Trước thực trạng giá hồ tiêu lên xuống thất thường nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân thận trọng trong việc chuyển đổi cây trồng mà chú trọng chăm sóc, phục dưỡng diện tích tiêu đang cho năng suất ổn định, nhằm phát triển bền vững cây hồ tiêu.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong vòng 7 năm trở lại đây, khi giá hạt tiêu giảm mạnh liên tục, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh như huyện Châu Đức và Xuyên Mộc không còn mặn mà đầu tư, chăm sóc.
Năm 2016, diện tích tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên 13.000ha, vượt quy hoạch 5.000ha. Thế nhưng, khi giá tiêu lao dốc và có thời điểm xuống đáy khoảng 34.000 đồng/kg, các hộ dân lại chặt bỏ cây tiêu, chuyển sang cây trồng khác.
Tính đến hết năm 2022, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn 10.552ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 9.904ha, sản lượng 19.901 tấn. Như vậy, trong 5 năm qua (từ 2018 đến 2022) diện tích trồng tiêu đã giảm 2.570ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mặc dù Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng trồng cây tiêu lớn của khu vực, nhưng quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, nông hộ, sản phẩm chủ yếu là xuất thô, giá trị mang lại thấp. Bên cạnh đó, việc thu hoạch, sơ chế, bảo quản tiêu đen hiện còn thủ công.
Sở NN&PTNT tỉnh đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát xây dựng các phương án sản xuất nông nghiệp để tích hợp vào quy hoạch. Theo đó sẽ rà soát lại quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có ngành hồ tiêu.
Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng trong chiến lược phát triển cây tiêu của tỉnh. Đồng thời, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; từng bước hình thành vùng trồng tiêu theo hướng hữu cơ; phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ đến năm 2025...