Sáng sớm trên cánh đồng ven đường song hành quốc lộ 22 đi qua huyện Hóc Môn, thấp thoáng bóng người đội nón rộng vành, lom khom trồng vạn thọ con vào chậu.
Xung quanh là hàng ngàn chậu sống đời, mào gà, hướng dương...
Canh từng chậu mai, coi cây như con mình
Tay lẹ làng chuyển cây con từ khay ươm qua những chậu màu đỏ, giọng miền Tây của bà Lê Thị Tuyết Mai (55 tuổi) hồn hậu: "Mỗi chậu vầy là ba cây. Nó mau lớn lắm, thấy vậy chứ qua tháng chạp là bự đùng. Bông thọ cũng có nhiều loại à nghe, thọ cọp, thọ mai...".
Đã quen việc nên chỉ vài phút bà trồng xong hàng chậu bên này, đẩy xe cút kít tuốt cuối vườn lấy cây giống.
Ngó thấy chậu nào chậu nấy ngay hàng thẳng lối, anh Trần Minh Hùng (chủ vườn) nét mặt hài lòng dù vẫn lo toan chưa biết năm nay lời lỗ ra sao.
Kế bên, bà Mai kể: "Cây ươm lên nhỏ nhỏ cỡ ngón tay thì tôi trồng ra chậu, xong cho cây ăn bánh dầu, loại phân hữu cơ từ phụ phẩm sản xuất dầu ăn. Mấy loại bông khác thì trồng trước đó rồi".
Mỗi ngày công như vậy của bà là 250.000 đồng. Quê An Giang, trước đây bà làm bánh kẹo, sau người ta làm bằng máy nên bà lên TP.HCM kiếm việc khác.
Mười mấy năm, bà đi mần mướn, độ gần tháng 8 âm lịch về quê nặn bánh trung thu bán rồi lên lại thành phố. Hỏi nơi ăn ở, bà cười hiền queo: "Tôi ở căn nhà chòi trên đất chủ vườn phía trước, một năm phụ đóng 3 triệu đồng".
Phía bên kia, ông Nguyễn Văn Dương (57 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho biết nhà cách đó chừng 3km, sáng nào ông cũng tới vườn làm đất, ủ phân, tưới cây... Khác bà Mai, ông không đeo bao tay vì tay làm hồ đã lì rồi.
"Giờ có tuổi không leo trèo làm hồ nổi nên tôi chuyển sang trồng bông thuê. Công việc liền liền, ra giêng thì gom chậu, dọn đất. Chủ nhật cũng làm luôn, chừng bữa nào oải quá thì nghỉ một ngày", ông bộc bạch.
Nghề trồng hoa làm đẹp cho đời nhưng người trồng luôn lấm lem, chịu nắng mưa. Ông Dương kể: "Như cây sống đời trồng từ tháng 6 âm lịch, trồng dài ngày nên tụi tôi phải canh lượng nước tưới để tới cỡ tháng 11 chớm bông. Rồi canh chừng nó nở trúng Tết, trật là chết luôn, đưa cho mấy con bò nó còn chê hổng ăn nữa".
Tại một vườn mai ở phường An Phú Đông (quận 12), anh Đặng Hoàng Chinh (33 tuổi) vừa chăm mai nở đúng vụ Tết vừa tâm sự việc của anh là... đa zi năng, tức khâu nào cũng làm được. Anh sống ở Hóc Môn, là người chăm sóc chính vườn mai này.
Những người làm vườn như anh Chinh thường phải làm xuyên Tết vì rất nhiều việc. Anh cho biết vườn này rộng nên sát Tết đông nhân công tới làm, mấy chục người đủ mọi lứa tuổi làm mới kịp.
"Nếu nhanh mỗi ngày một người có thể lặt lá mai được vài cây, nhưng lâu lâu mới có việc, mỗi lần làm chỉ ba ngày 14, 15, 16 âm lịch, có khi trễ hơn tùy vào thời điểm nở của cây. Nhưng phải canh đúng ngày lặt để tránh bông nở sớm hoặc nở trễ. Mấy bữa lặt lá quá trời người, nhìn nhộn nhịp không khí Tết", anh cười nói.
"Chủ vườn bán được bông là tôi mừng"
Từ giờ tới Tết Giáp Thìn, nhân công như anh Chinh, bà Mai, ông Dương vất vả hơn. Anh Chinh kể coi cái cây như con, có khi ăn ngủ không yên bởi phải canh thời tiết, canh ngày lặt lá mai.
Năm nay Sài Gòn nắng nóng kéo dài, nhiều chủ vườn và người làm công lo lắng. "Bỏ công chăm sóc cả năm chăm được cây để nó ra bông đúng dịp Tết phục vụ khách hàng mình vui lắm, còn cây mà nở sớm là rầu.
Cái Tết có ngon hay không phụ thuộc vô lúc này, phải chăm mới biết nó cực ra sao", anh tâm sự mình vẫn sẽ làm việc này và hạnh phúc khi nhìn từng chậu hoa mai mình chăm được khách mua tô điểm dịp Tết đến xuân về.
Năm nào cũng phụ chủ vườn bán bông từ 27 tháng chạp đến qua giao thừa, bà Mai nói: "Tụi tôi bán tới 2h - 3h khuya luôn.
Mấy ngày đó y chang lễ hội, người ta chạy ầm ầm vô vườn mua bông. Sáng mùng 1 là tôi mình ên chạy xe máy về quê, đi đường Tràm Chim hướng Đồng Tháp về gần hơn".
Không được sum vầy thời khắc giao thừa nhưng bà Mai cũng thấy an ủi khi khách mua bông nhộn nhịp và ngó pháo bông xa xa. Bà kể: "Vài bữa nữa ở đây có chợ bông bán đủ thứ, mình cũng mua bánh mứt tùm lum ăn cho vui".
Trời gần đứng bóng, ông Dương tháo đôi bốt, giũ miếng bao lót ra và phân trần: "Chiếc bên này nó bị lủng, nước vô nên tôi lấy miếng bao chèn cho nó khô. Giờ mua đôi mới cũng mắc chớ bộ, 50.000 đồng một đôi".
Bản thân chắt mót từng đồng nhưng ông cho biết hồi đầu năm mới mua cho con trai út chiếc xe ba gác máy 60 triệu đồng để đi chở hàng thuê. "Hai đứa con gái lớn tôi bán rồi (gả chồng) ra riêng, còn thằng út tôi giục lấy vợ mà nó kêu nó vẫn còn nhỏ", ông cười.
Tết, ông nghỉ từ sáng mùng 1 tới mùng 5 đi làm lại. Đó là những ngày thảnh thơi hiếm hoi. Vợ chồng ông thường đi thăm họ hàng, có năm dành chút tiền đón xe buýt đi Suối Tiên chơi. Vào Sài Gòn 20 năm, ông dành dụm mua được căn nhà cấp 4 trong hẻm.
"Đất này dễ sống, người ta cũng vui vẻ. Sát Tết tôi thường tranh thủ tối về dọn dẹp nhà cửa lần lần, giao thừa về sửa soạn cúng kiếng rồi lại trở ra phụ bán bông. Làm công nhưng thấy chủ vườn bán được bông là tôi mừng, bán không hết mình cũng buồn", ông trải lòng khi ngoài kia màu nắng mật báo hiệu xuân sắp về.
Khâu lặt lá mai không khó làm nhưng phải kỹ. Chẳng hạn, nhân công phải lặt theo chiều xuống, chứ không kéo giật lên trên vì như vậy dễ làm hư nụ bông.
"Vườn mai năm nào cũng kêu người mà chủ yếu người quen nên cũng đỡ lo họ làm sai. Mình gọi trước để đặt hàng họ đến làm, đa số là công nhân thất nghiệp, người này rủ người kia tới", anh Chinh cho hay. Riêng anh những ngày cận Tết còn làm thời vụ cho vườn mai khác với việc tương tự, tiền công 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Mong được mùa hoa Tết
Có vườn mai rộng hơn 3.000m² ở phường An Phú Đông, quận 12, năm nào ông Tô Thanh Vũ (45 tuổi) cũng thuê người làm thời vụ để kịp ra hàng cho khách.
"Thường thì tới rằm tháng chạp tôi mới thuê thêm người vì bình thường mình có nhân công cố định. Tôi thuê khoảng 50-60 người để làm mấy việc như bấm tỉa, nhổ cỏ, sửa dáng, tưới nước, lau chậu, quét dọn, giao hàng.
Mà đông người nhất là khâu lặt lá mai, ai chưa biết thì mình hướng dẫn", ông nói. Những người này sẽ lặt từ sáng đến khoảng 16h30 tắt nắng sẽ ngưng, bởi lặt sớm có nắng thì nhựa của cây bơm lên tốt cho cây.
Theo ông, thợ thời vụ thường là mối quen từ các năm trước. Ngoài khâu lặt lá, các công đoạn khác ông thuê thêm khoảng 10 người phụ, tiền công 500.000 đồng/ngày, bao ăn. "Đi giao cây thì khoảng 5-6 người, tiền công cao hơn vì có giao ban đêm. Hiện đã có một số khách đặt cây rồi", ông nói.
Vụ hoa Tết tại miền Tây năm nay gặp thời tiết bất lợi. Mưa nhiều khiến sâu bệnh phát triển đang ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng của các nhà vườn.