Việc Giải vô địch châu Phi (AFCON) và Giải vô địch châu Á (Asian Cup) diễn ra từ giữa tháng 1 đến hết ngày 11-2 có thể khiến nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu mất các cầu thủ trụ cột trong vòng một tháng.
Những CLB nào khổ nhất?
Nhiều năm qua, AFCON và Asian Cup là tác nhân gây đau đầu cho các CLB ở năm giải đấu hàng đầu châu Âu. Asian Cup ít gây chú ý hơn bởi không có nhiều cầu thủ châu Á có thể chơi bóng ở những CLB lớn. Nhưng giải châu Phi (thậm chí diễn ra với mật độ hai năm/lần) lại khác. Hầu như không có đội bóng nào ở nhóm các giải hàng đầu châu Âu không có những cầu thủ châu Phi trong đội hình.
Cụ thể, 20 CLB ở Giải ngoại hạng Anh (Premier League) hiện tại có đến 49 cầu thủ châu Phi nhiều khả năng phải trở về tham dự AFCON. Man City cùng Newcastle là ngoại lệ hiếm hoi khi không có những ngôi sao châu Phi trong đội hình. Còn lại, Nottingham Forest (7 cầu thủ), West Ham (4), Man United (4), Brighton (4), Brentford (3)... là những đội tổn hại nhiều nhất.
Riêng Tottenham, Liverpool, Wolverhampton và Brentford còn gặp khó thêm vì những ngôi sao châu Á. Thiệt hại của Tottenham là rõ rệt nhất, khi Son Heung Min (Hàn Quốc) vừa là đội trưởng vừa là cầu thủ ghi bàn tốt nhất của họ. Sarr cùng Bissouma - hai cầu thủ châu Phi phải vắng mặt vì AFCON - cũng gánh vác vai trò trụ cột ở Tottenham. Trong một tháng tới, Tottenham xem như mất đứt trục xương sống của đội.
Liverpool tuy không mất nhiều ngôi sao nhưng cả Salah lẫn Endo đều đang là những cầu thủ không thể thay thế vào lúc này. Đầu mùa giải, Endo - cầu thủ người Nhật - chỉ sắm vai dự bị trong tay HLV Klopp. Nhưng rồi trong tám trận gần nhất anh đều được cho đá chính. Liverpool có thể đang sở hữu nhiều tiền vệ giỏi nhưng đội trưởng tuyển Nhật lại là tiền vệ phòng ngự thuần túy duy nhất mà ông Klopp có trong tay.
Trong nhóm đua vô địch, Arsenal gặp may khi chỉ mất Tomiyasu và Elneny - đều không phải là những cầu thủ khó lòng thay thế. Vì chưa lành chấn thương, Partey được tuyển Ghana gạt khỏi danh sách. Trong khi đó, Man United mất tiền vệ Amrabat và thủ môn Onana. Amrabat có thể không quá quan trọng nhưng Onana lại là người ảnh hưởng đáng kể đến cách vận hành hàng thủ của HLV Erik Ten Hag.
Sau giải vẫn khổ
Mất các trụ cột trong gần một tháng đã gây đau đầu. Và kể cả khi họ trở lại, các ngôi sao cũng khó lòng giữ được sự sung mãn vì phải cày ải quá nhiều. Và Salah chính là ví dụ.
Mùa giải 2021-2022, Salah có khởi đầu như mơ khi ghi đến 22 bàn trong nửa phần đầu tiên của mùa giải. Nhưng sau khi trở về từ AFCON, Salah chỉ ghi được chín bàn. Khó lòng chỉ trích Salah một khi chứng kiến hành trình gian khổ mà anh phải trải qua.
Tại AFCON năm đó, Salah dẫn dắt tuyển Ai Cập vào đến chung kết với thời lượng thi đấu khiến ai cũng phải lắc đầu. Khi đó Salah đá trọn vẹn bảy trận tối đa. Trong đó bốn trận đấu loại trực tiếp của Ai Cập đều phải diễn ra 120 phút. Tức Salah đá đến 750 phút (tương đương hơn tám trận) trong bốn tuần. Nếu Salah không dự AFCON và ở lại Liverpool, anh cũng chỉ phải ra sân năm lần trong khoảng thời gian đó.
Hậu quả là Salah đã kiệt sức. Chưa hết, thất bại cay đắng trên chấm luân lưu đã tác động lớn đến tâm lý của Salah. Và một bi kịch tương tự có thể sẽ xảy đến vào mùa giải năm nay khi Salah không còn nhiều thời gian để dẫn dắt tuyển Ai Cập đến chức vô địch châu lục.
Hãy so sánh AFCON, Asian Cup với World Cup hay Euro - những giải đấu diễn ra trong mùa hè. Với World Cup và Euro, các cầu thủ có khoảng ba tuần hội quân cùng đội tuyển để chuẩn bị. Sau khi kết thúc nghĩa vụ quốc gia, họ có thêm khoảng một tháng nghỉ ngơi (hoặc đá giao hữu) trước khi trở lại thi đấu chính thức cho CLB. Còn với AFCON và Asian Cup, tất cả đều diễn ra dồn dập.
Salah cùng Son Heung Min chỉ có một tuần để chuẩn bị trước giải. Và ngay sau khi kết thúc giải, họ phải lập tức ra sân chinh chiến cùng CLB. Nguy cơ chấn thương, kiệt sức, sa sút phong độ vì thế là rất lớn.
Tuyển Nhật Bản được giới chuyên môn đánh giá là ứng viên số 1 cho chức vô địch Asian Cup 2023 diễn ra tại Qatar từ ngày 12-1 đến 10-2.