Reuters trích số liệu theo dấu tàu biển cho thấy xuất khẩu LNG của Mỹ đã lập kỷ lục trong tháng 12 và cả năm 2023. Theo đó, khoảng 8,6 triệu m3 LNG đã rời các cảng của Mỹ tháng trước. Tổng cộng cả năm, xuất khẩu của Mỹ tăng 14,7% lên 88,9 triệu m3.
Giới phân tích cho biết việc này có thể giúp Mỹ vượt qua Qatar và Australia để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới năm 2023. Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy năm 2022, Qatar là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Theo sau là Australia.
Trong khi đó, Bloomberg hôm 2/1 tổng hợp dữ liệu cho thấy Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới năm ngoái, với kỷ lục 91,2 triệu m3.
Alex Munton - Giám đốc nghiên cứu khí đốt và khí hóa lỏng toàn cầu tại hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group - cho biết năm 2023, Mỹ nổi bật trên thế giới về tăng trưởng nguồn cung LNG.
"Sản lượng kỷ lục của Mỹ được thúc đẩy bởi 2 yếu tố. Một là cảng xuất khẩu Freeport LNG hoạt động hết công suất trở lại, giúp sản lượng tăng 6 triệu tấn. Hai là sản lượng cả năm tại cơ sở Calcasieu Pass của Venture Global LNG - liên doanh giữa ExxonMobil và QatarEnergy - tăng 3 triệu m3 so với năm 2022", Munton giải thích.
Hãng thông tin tài chính LSEG cũng cho rằng sự trở lại của Freeport LNG sau khi xảy ra sự cố năm 2022 và việc các cơ sở khác tăng hiệu suất xử lý đã giúp xuất khẩu LNG của Mỹ lên kỷ lục.
Châu Âu vẫn là điểm đến chính của LNG Mỹ tháng 12, với 5,43 triệu m3, tương đương hơn 61%. Các kho dự trữ tại châu Âu đã đầy 97% hồi đầu tháng 12.
Châu Á xếp sau với 2,29 triệu m3 tháng 12, tương đương 16,6% LNG xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latin tháng trước chỉ mua gần 6% LNG Mỹ.
Cuộc cách mạng khí đá phiến, cùng hàng tỷ USD đầu tư vào các cơ sở hóa lỏng đã biến Mỹ từ nước nhập khẩu ròng LNG thành nhà cung cấp lớn với sản phẩm này nhiều năm qua. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu và việc các nước chuyển hướng mua khí đốt khỏi Nga cũng làm tăng nhu cầu khí hóa lỏng Mỹ.
Hà Thu (theo Reuters)