Như các thông tin trước đó, ngày 25-11, tảng băng trôi lớn nhất thế giới, A23a, đã tách khỏi Nam Cực và trên đà dịch chuyển lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ.
Có diện tích khoảng 4.000km2 và nặng gần 1.000 tỉ tấn, việc tảng băng trôi này dịch chuyển đã thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà khoa học thế giới.
Nhà nghiên cứu sông băng của Viện Khảo sát Nam Cực Anh Oliver Marsh cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ đường đi của A23a để xem xét khối băng sẽ đi về đâu và nó có ý nghĩa gì đối với những nơi nó gặp trên đường đi.
Theo nhật báo Times of India, hiện tại A23a đang di chuyển theo hướng đông bắc về phía đất liền và dường như đang tiến đến South Georgia - một hòn đảo ở Đại Tây Dương và một phần là lãnh thổ hải ngoại của Anh.
Điều này dấy lên những lo ngại về hậu quả có thể xảy ra với hòn đảo và khu vực xung quanh.
South Georgia là nơi có sinh vật biển đa dạng và rất nhiều loài chim biển. Một tảng băng trôi lớn như A23a chỉ cần đến gần hòn đảo thôi đã có thể gây ra một số thay đổi tai hại.
Cụ thể, băng trôi có thể gây rối loạn các dòng hải lưu và làm gián đoạn hoạt động bình thường của mọi thứ trên biển, từ đó ảnh hưởng đến hệ thực vật và động vật sống ở South Georgia và có thể ảnh hưởng đến sinh kế của người dân khu vực theo nhiều cách khác nhau.
Các nhà khoa học đang rất hồi hộp theo dõi hành trình của A23a. Thông qua nó, họ có thể tìm hiểu thêm về cách những tảng băng trôi khổng lồ di chuyển và điều gì xảy ra khi chúng gặp các vùng đất liền trên thế giới.
Ngoài ra, vệ tinh và các công cụ theo dõi đặc biệt A23a sẽ giúp các nhà nghiên cứu thu thập thông tin quan trọng để hiểu rõ hơn về Trái đất.
Bức ảnh đen trắng về tảng băng trôi đã được một thuyền trưởng tàu chở khách vượt Đại Tây Dương tình cờ chụp lại hai ngày trước khi thảm họa Titanic xảy ra.