Hơn 11 năm làm công nhân ở một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hòa - quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc - gạt nỗi buồn để về quê dù Tết Nguyên đán tới gần.
Rời nhà máy sau 11 năm gắn bó
Trong ngày Hà Nội trở rét, chị Hòa nhanh nhẹn thu dọn đồ đạc để về quê sớm, căn phòng nơi chị Hòa gắn bó hơn một thập kỷ nay gói gọn trong vài chiếc túi quần áo cỡ lớn, vài ba thùng các tông đựng chiếc điều hòa, tủ lạnh, bếp gas đã cũ nhưng vẫn dùng tốt.
Nhà máy trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) là nơi mưu sinh của chị Nguyễn Thị Hòa từ lúc còn đôi mươi đến khi lập gia đình, sinh con…
"Lúc viết đơn cũng buồn lắm, nhưng mà thôi đi về quê cho gần con cái. Tôi có nhiều đồng nghiệp thân thiết như chị em trong nhà vì thời gian đi làm còn nhiều hơn thời gian ở nhà", chị Phúc vừa nói vừa tranh thủ gói lại túi quần áo.
Trước khi quyết định nghỉ việc, chị Phúc mất cả tháng suy nghĩ vì gắn bó công ty nhiều năm và lo ở tuổi 35 khó theo việc nhanh như các bạn trẻ.
Ngày cuối cùng trước khi nghỉ việc, nữ công nhân này chỉ kịp đãi anh chị trong dây chuyền mấy chai nước ngọt, bánh kẹo ở căng tin công ty.
Khi được hỏi tại sao còn độ nửa tháng nữa nghỉ Tết mà chị lại về quê, công nhân này bày tỏ công nhân lâu năm như chị chỉ được tiền thưởng khoảng 8 triệu đồng.
"Làm đủ năm, đủ tháng rồi, giờ mình chỉ mong về với con", chị Hòa nói thêm.
Về quê, chị Hòa sẽ tìm việc ở Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), nơi cách nhà khoảng 25km. Chồng cũng xin công ty cho về chi nhánh ở dưới quê để vợ chồng đoàn tụ.
Gặng hỏi hồi lâu, chị Hòa mới tiết lộ quyết tâm về quê để gần con. Từ ngày có con, hằng ngày, nữ công nhân này đi xe máy 15, 16km đến điểm xe buýt của công ty để kịp giờ làm. 4h chiều tan làm, người mẹ này lại hớt hải di chuyển về nhà chăm con.
Tết càng gần, dù nghỉ việc, lòng chị công nhân này vẫn vui vì những ngày tới chị được ở gần con, tranh thủ đi làm thời vụ, chị cũng có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Sang năm mới, chị sẽ tìm một công ty phù hợp để gắn bó lâu dài.
"Mong công nhân về quê khi ít việc"
Cũng tranh thủ thu dọn đồ về quê, Nguyễn Phương, 26 tuổi, quê Phú Thọ, cho biết những tháng qua anh chỉ sống bằng lương cơ bản khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Đi làm đủ 8 tiếng, không tăng ca, thu nhập gia đình Phương giảm gần một nửa so với trước. Nghĩ tới con nhỏ ở quê, vợ chồng Phương bàn nhau về quê tìm việc dù Tết Nguyên đán tới gần.
"Mình được ông bà hỗ trợ nên tích góp được chút ít để về học nghề, mở quán kinh doanh. Dưới quê cũng nhiều người nghỉ việc ở thành phố về làm, lương thấp nhưng gần nhà, gần vợ gần con", Phương bộc bạch.
Là chủ xóm trọ gần 50 công nhân cạnh Khu công nghiệp Khắc Niệm, tỉnh Bắc Ninh, cô Nguyễn Thị Phúc bày tỏ gần đây cuộc sống công nhân khó khăn, bấp bênh hơn.
Thông thường, vào phòng trọ, công nhân phải đóng trước 800.000 - 900.000 đồng tiền trọ. Có khi 100 công nhân đến ở chỉ vài ba người có đủ tiền đóng "một cục".
"Hoàn cảnh các cháu khó khăn mới đi làm công nhân nên tôi chỉ thu 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Ai không có thì mình cho ở 3 - 5 ngày, có lương đóng một ít, còn lại để tiền ăn hoặc mua gì thêm. Mùa đông, nhìn các cháu không có chăn, tôi thấy khổ, lại mua chăn mới cho các cháu", chủ trọ này chia sẻ.
Theo cô Phúc, nhiều công nhân thuê trọ đi làm trong bối cảnh khó khăn, ít việc, ít tăng ca, lương thấp, dẫn tới khó khăn. Thương cảm trước hoàn cảnh các bạn công nhân, cô Phúc bớt đi chút lời thuê nhà để lo cho các bạn dù không mong nhận lại.
"Tôi còn trực tiếp cùng công nhân đòi tiền công vì có bạn đi làm nửa tháng nhưng lấy được 500.000 đồng. Có trường hợp công nhân không có tiền ăn, tiền đóng trọ thì nhân viên phòng nhân sự lại bảo hết việc, thế là các bạn nằm ở nhà, không có tiền để đi chỗ khác", cô Phúc kể.
Là người gắn bó với công nhân lâu năm, cô Phúc chỉ khuyên người lao động nếu không có việc thì tính đến phương án về quê làm thời vụ, thay vì cố gắng bám trụ ở thành phố.
Tết Nguyên đán tới gần, cô chủ trọ này chỉ mong công nhân có việc, có thêm thu nhập để đón xuân ấm no, hạnh phúc bên gia đình.
TTCT - Những dự đoán về kinh tế sau đại dịch Covid-19 hóa ra đã trở thành hiện thực rất nhanh. Đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, hậu đại dịch có hai hệ quả chính: Tổng cầu sụt giảm, và sự đi xuống của mô hình "FDI lắp ráp xuất khẩu".