Nếu bom đường hầm phát nổ hiệu quả, hậu quả hết sức thảm khốc.
Nhồi thuốc nổ dưới đường hầm
Đường hầm được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các trận chiến suốt 10 năm chiến tranh ở Syria và Iraq. Các bên tham chiến không chỉ sử dụng đường hầm để phòng thủ hoặc ẩn náu tránh máy bay không kích mà còn dùng đường hầm để điều quân, tổ chức tấn công và sử dụng làm bom đường hầm.
Tại Syria, quân nổi dậy đã nhiều lần sử dụng bom đường hầm để tấn công quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Ngày 8-5-2014, quân nổi dậy đã dùng đường hầm chứa 25 tấn thuốc nổ phá hủy khách sạn Carlton Citadel 150 năm tuổi ở Aleppo (miền bắc Syria), nơi được dùng làm doanh trại quân đội chính phủ. 40 binh sĩ Syria thiệt mạng. Đường hầm dài 107m phải mất 33 ngày đào ròng rã.
Năm ngày sau, một đường hầm khác dài 850m chứa 60 tấn thuốc nổ đã phát nổ dưới trạm kiểm soát căn cứ quân sự Syria làm 20 binh sĩ thiệt mạng. Quân nổi dậy mất 50 ngày để đào đường hầm này.
Chiến thuật bom đường hầm thường được sử dụng để tấn công căn cứ quân sự, tòa nhà chính phủ, trụ sở tòa án, đồn cảnh sát và các cơ sở được bảo vệ.
Quân nổi dậy có khi sử dụng đến 300 người đào đường hầm bằng cuốc xẻng, thậm chí còn thuê kiến trúc sư thiết kế đường hầm để đột nhập vào căn cứ quân sự, hoặc tham khảo ý kiến các chuyên gia về địa hình để điều chỉnh vị trí đào, và nhờ các kỹ sư giúp ổn định đường hầm trong lúc nhân công làm việc.
Không riêng gì quân nổi dậy chống chính phủ, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố khác cũng dùng bom đường hầm. 17h31 ngày 4-3-2015, các phần tử Al-Nusra (chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria) đã kích nổ bom từ đường hầm được đào sát trụ sở cơ quan tình báo không quân Syria ở ngoại ô Aleppo, sau đó tấn công vào trụ sở.
Vụ tấn công bị đẩy lùi. 20 binh sĩ và 14 phiến quân thiệt mạng. Trung tâm địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải ghi nhận sức nổ tương đương trận động đất mạnh 2,3 độ Richter. Toàn thành phố đều nghe tiếng nổ. Một phần tòa nhà mục tiêu đã bị phá hủy.
Trong trận chiến chiếm Homs vào tháng 11-2015, nhóm khủng bố Al-Nusra đã xây dựng các lối đi sâu 15m dưới lòng đất, trong đó có một số lối đi dài tới 3km. Mục đích nhằm bí mật chuyển quân để tấn công các công sự của quân chính phủ.
IS cũng đào rất nhiều đường hầm dưới lòng đất và giữa các khu nhà để vô hiệu hóa khả năng tình báo, trinh sát và không kích, đồng thời dự trữ vũ khí và trang thiết bị cũng như bí mật chuyển quân. Cuối năm 2015, IS đã xây dựng hàng loạt đường hầm phức tạp ở thị trấn Sinjar (tỉnh Idlib) trong quá trình đánh nhau với lực lượng người Kurd.
Đường hầm được xây dựng bằng búa khoan và dụng cụ cầm tay với nhiều lối thoát hiểm được gia cố bằng bao cát. Quân đội chính phủ Syria cũng đào đường hầm để áp sát các chốt kiểm soát của phiến quân rồi kích nổ chất nổ bên dưới mục tiêu.
Theo trang web Defense One (Mỹ), do bom đường hầm tấn công rất hiệu quả và có sức tàn phá lớn nên từ năm 2014, IS ở Iraq thường xuyên phát tán video đánh bom đường hầm để tuyên truyền. IS đã xây dựng "thành phố dưới lòng đất" ở phía nam Mosul.
Khi đe dọa thủ đô Baghdad vào cuối mùa hè năm 2014, IS đã sử dụng đường hầm được xây dựng dưới thời Tổng thống Saddam Hussein để ẩn náu. Ngày 11-3-2015, IS đã cho nổ 7 tấn thuốc nổ trong đường hầm dài 240m dưới căn cứ quân đội Iraq ở Ramadi giết chết 22 binh sĩ. Bốn ngày sau, IS cho nổ thành công một bom đường hầm khác. Hai tháng sau, Ramadi thất thủ.
Một vụ nổ 10.000 quân Đức chết
Học giả cấp cao John Spencer tại Viện Chiến tranh hiện đại (Mỹ) nhận xét bom đường hầm thật ra đã từng xuất hiện từ khi thuốc súng được sử dụng trong chiến tranh vào thời Trung cổ. Sau đó, chiến thuật đào đường hầm phá tường thành biến mất vì pháo binh dễ dàng bắn phá thành lũy từ xa.
Một thời gian sau, bom đường hầm "tái xuất giang hồ" với các cuộc vây hãm Vicksburg (Mississippi) năm 1863 và Petersburg (Virginia) năm 1864 trong nội chiến nước Mỹ (năm 1861 - 1865) giữa quân chính phủ liên bang miền Bắc và quân liên minh ly khai miền Nam.
Trong cuộc vây hãm Petersburg vào ngày 30-7-1864, suốt năm tuần quân liên bang miền Bắc đã đào đường hầm dài 155m, sâu 6m dưới phòng tuyến quân liên minh miền Nam, sau đó chất 3,6 tấn thuốc súng và kích nổ. Vụ nổ đã làm hàng trăm binh sĩ miền Nam thiệt mạng.
Bom đường hầm tiếp tục xuất hiện với trận địa chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nhằm phá vỡ thế bế tắc của mặt trận phía Tây. Trong trận sông Somme (miền bắc nước Pháp) năm 1916, quân Anh đã cho nổ hai quả mìn khổng lồ dưới chiến hào quân Đức.
Đến trận chỏm núi Messines (Bỉ) năm 1917, quân Anh đã đào 22 đường hầm dưới phòng tuyến quân Đức trong suốt 18 tháng và đưa 450 tấn thuốc nổ xuống đó.
Ngày 7-6-1917, vụ nổ xé toạc toàn bộ chỏm Messines-Wytschaete. 10.000 lính Đức thiệt mạng hoặc bị chôn vùi tại chỗ. Hố bom sâu hơn 18m, rộng gần 80m. Đây là vụ nổ lớn nhất do con người gây ra trước khi có bom nguyên tử.
Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, chiến thuật bom đường hầm vẫn còn giá trị. Năm 2001, Hamas đã kích nổ bom đường hầm dưới căn cứ quân đội Israel. Ba năm sau, đường hầm dài hơn 300m chứa 320kg thuốc nổ đã phát nổ dưới một tiền đồn Israel. Sau đó, bom đường hầm đã trở thành vũ khí độc đáo trong cuộc chiến ở Syria và Iraq.
Lúc bấy giờ báo cáo của Tổ chức Đánh bại thiết bị nổ tự tạo hỗn hợp của Bộ Quốc phòng Mỹ (JIEDDO, nay là Tổ chức Đánh bại các mối đe dọa tự tạo hỗn hợp) ghi nhận chỉ trong hai năm 2014 và 2015, bom đường hầm đã được sử dụng 45 lần.
Báo cáo của JIEDDO kết luận: "Việc sử dụng đường hầm để gài các thiết bị nổ tự chế và dùng vào nhiều mục đích khác tiếp tục mang lại lợi thế chiến lược rủi ro thấp cho các tổ chức cực đoan, do đó cần phải nỗ lực phát triển liên tục và triển khai các kỹ thuật giảm thiểu hiệu quả".
Trong giai đoạn chống IS ở Iraq và Syria, chiến thuật chống đường hầm tiêu chuẩn của quân đội Mỹ là sử dụng máy bay bắn vũ khí dẫn đường chính xác vào lối vào đường hầm để lấp hầm.
Trang web War on the Rocks (Mỹ) nhận định phá hủy đường hầm bằng không kích thật ra không hiệu quả nếu muốn hành động trực tiếp như giải cứu con tin hoặc đột kích bắt giữ bọn chỉ huy IS bên trong đường hầm.
***********
Đơn vị công binh tác chiến đặc biệt Yahalom của Israel đặc biệt quan trọng trong phát hiện và phá hủy đường hầm Hamas. Để thành công, Yahalom đã phải trả giá bằng mồ hôi và máu.
>> Kỳ tới: "Chồn" Israel gặp "chuột" Hamas
"Các bạn là chứng nhân cho khoảnh khắc lịch sử này. Tôi muốn thông báo với các bạn đúng 8h50 tối 30-7-1993, Sarajevo đã được thông suốt qua đường hầm dài 760m nối liền Dobrinja và Butmir dưới đường băng sân bay".