Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chỉnh lý quy định thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ
Một nội dung được quan tâm là về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (tại điều 79 của dự thảo luật). Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất tiếp tục liệt kê 31 trường hợp cụ thể.
Trong đó, liên quan đến quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ, Chính phủ đã đề xuất chỉnh lý.
Theo báo cáo của Chính phủ, tại nghị quyết 18 của trung ương đã chủ trương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ để Nhà nước quản lý đất đai theo hướng công khai, minh bạch, đem lợi ích tốt nhất cho xã hội trong đó có việc tăng thu ngân sách và lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất để thực hiện dự án.
Trên cơ sở kế thừa Luật Đất đai 2013, thể chế hóa nghị quyết 18 ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện quy định trên.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị chỉnh lý như sau: Thực hiện các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận phù hợp với quy hoạch nhằm tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc để giao cho nhà đầu tư trúng thầu dự án sử dụng đất, bao gồm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn.
Trước đó, tại thông báo về ý kiến tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với các cơ quan liên quan về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật đã nêu rõ về nội dung này.
Theo đó, cần hoàn thiện quy định về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ bảo đảm tinh thần nghị quyết 18 và tuân thủ quy định của Hiến pháp; quy định rõ về tiêu chí, điều kiện thu hồi đất trong trường hợp này.
Sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu các ý kiến góp ý, đề xuất của Chính phủ để phối hợp hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 (tháng 1-2024).
Việc này để thực hiện đúng chủ trương của nghị quyết 18, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Còn trao đổi với báo chí dịp đầu năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại việc tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội chưa tiến hành thông qua hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như dự kiến.
Ông chỉ rõ tầm quan trọng của Luật Đất đai chỉ đứng sau Hiến pháp và có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, mọi người dân.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay thống kê có 27 vấn đề lớn. Trong đó trước kỳ họp thứ 6 có 6 nội dung lớn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng tình, thống nhất và 7 nội dung lớn Đảng đoàn báo cáo Bộ Chính trị đã được Bộ Chính trị cho ý kiến. Như vậy đã làm rõ được 13 vấn đề.
Ngoài ra, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 kỳ họp thứ 6 đã thảo luận kỹ lưỡng và quyết định thêm 9 vấn đề lớn nữa.
Đây là những vấn đề, theo ông Huệ, khi trình ra có 2-3 phương án nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích và quyết 9 nội dung theo 1 phương án. Sau đó Chính phủ cũng đồng ý với 9 nội dung này.
Như vậy là đã có 22/27 nội dung đã thống nhất. Còn 5 nội dung cũng đã được họp bàn bạc và cơ bản thống nhất, chờ trả lời chính thức của Chính phủ.
Sau khi thống nhất 27 nội dung này sẽ tiếp tục rà soát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua. Còn quyết định có thông qua hay không là quyền của Quốc hội.
Tới đây, có phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 1-2024 sẽ thẩm tra cuối cùng trước khi trình Quốc hội.
"Đây là dự luật có rất nhiều vấn đề lớn, đại sự, cần làm kỹ lưỡng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
TTCT - Quốc hội quyết định lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng nghĩa nhiều vướng mắc về chính sách đất đai chưa thể tháo gỡ.