Theo phản ánh của người dân xã Đông Thọ (TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đang canh tác tại cánh đồng Cồn (thuộc địa bàn xóm 7, xã Đông Hòa, TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình), khoảng 2 tháng nay, trên cánh đồng Cồn thường xuyên xuất hiện nhiều xe tải, máy múc đến lấy trộm đất ải (đất bề mặt ruộng) khiến nhiều chủ hộ có ruộng đang canh tác rất bức xúc.
Ngang nhiên trộm đất
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Phạm Văn Tài (50 tuổi, trú tại xã Đông Thọ, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) nói: "Cánh đồng có diện tích gần 4 mẫu (khoảng 11.000 m2), nhà tôi cũng có gần 500 m2 đất ruộng ở đó, năm nào gia đình tôi và các hộ dân cũng canh tác, trồng lúa. Tuy nhiên, vừa qua, tôi nghe nói nơi này được quy hoạch làm Khu đô thị Ven Sông, rất nhiều xe tải ở đâu ồ ạt đến lấy đất. Họ mang theo máy xúc đến múc đất đưa lên xe tải".
Theo ông Tài, ông và những hộ dân có ruộng ở đây đều rất bức xúc, nhiều lần đã báo chính quyền nhưng tình trạng trộm đất không được ngăn chặn.
Theo thông tin ông Tài nắm được, các lái xe tải đã lấy đất ải về bán cho các hộ trồng đào, trồng quất ở xã Đông Hòa với giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/xe.
Cùng chung sự bức xúc khi đất ruộng bị lấy cắp liên tiếp nhiều ngày, bà Trần Thị Loan (60 tuổi, trú tại xã Đông Thọ, TP.Thái Bình) có diện tích gần 1.000 m2 đất trồng lúa tại đây, cho hay: "Từ lâu tôi có nghe đến dự án Khu đô thị Ven Sông sẽ được xây dựng tại đây. Do đó, năm 2023, gia đình tôi không dám canh tác trên mảnh ruộng này vì sợ đất bị thu hồi khi đang thời vụ sẽ phải phá bỏ. Tuy nhiên, gần 2 tháng trở lại đây, toàn bộ đất ải trên bề mặt ruộng của nhà tôi đã bị các xe tải đến chở đi. Tôi nhắc nhở thì bị họ chửi bới và đe dọa trong khi phía dự án chưa thực hiện đền bù cho chúng tôi".
Theo bà Loan, phần đất ải trên bề mặt ruộng là đất màu mỡ giúp cây trồng tươi tốt, phía dưới là đất thịt. Nếu phần đất ải bị lấy đi, trong trường hợp dự án không được thực hiện, gia đình bà phải cấy lúa trở lại thì mảnh ruộng này không thể canh tác, cây cằn cỗi, không năng suất.
Thao bà Loan, tình trạng trộm đất diễn ra tràn lan, 2 tháng nay, các đối tượng trộm đất đưa máy xúc, xe tải về lấy đất nhưng đến nay chính quyền vẫn không ngăn chặn được.
Ngày 2.1, có mặt tại cánh đồng Cồn, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, phần lớn đất bề mặt ruộng đã bị lấy hết, chỉ còn trơ đất thịt. Đất ải được gom lại, chờ xe đến chở đi.
Trên cánh đồng lúc này còn có một máy múc đang múc đất trên mảnh ruộng đã được đào sâu. Xung quanh được bao bởi bờ đất đắp cao gần 1 m chạy dài, hai chiếc xe tải vẫn đang đỗ tại đây.
Chính quyền đau đầu khâu xử lý
Chiều 2.1, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND xã Đông Hòa (TP.Thái Bình), cho biết: "Cánh đồng này thuộc địa giới hành chính xã Đông Hòa nhưng ruộng người dân xã Đông Thọ đang cấy xâm canh. Do đó, khi xảy ra tình trạng trộm đất ruộng, chính quyền 2 xã Đông Thọ và Đông Hòa cùng phối hợp nhiều lần để kiểm tra".
Theo ông Nam, mảnh đất được đắp bờ xung quanh là ông Trần Anh Mạnh (trú tại thôn Trung Nghĩa, xã Đông Hòa) thuê của một hộ dân. Đây từng là đất ruộng nhưng ông Mạnh đã thuê máy múc về đắp bờ để làm vườn trồng quất, đào. Gần 1 tháng trước, chính quyền xã Đông Hòa đã từng lập biên bản đối với ông Mạnh vì đã có hành vi tự ý đắp bờ, đào đất với diện tích 25 m x 50 m, lãnh đạo xã Đông Hòa yêu cầu ông Mạnh phải san lấp, trả lại mặt bằng.
"Sáng 2.1, chúng tôi tiếp tục đến hiện trường, thấy ông Mạnh vẫn chưa chấm dứt hành vi sai phạm nên đã lập biên bản lần 2, yêu cầu ông san lấp, phá bờ, trả lại mặt bằng", ông Nam nói.
Lý giải hiện tượng trộm đất, ông Nam phân tích thêm, người dân xã Đông Hòa sống bằng nghề trồng đào, quất. Do đó, mỗi năm đến mùa đất ruộng phơi ải (tháng 12), lại xảy ra tình trạng nhiều người dân trộm đất về chăm sóc cây. Việc này chính quyền vào cuộc sát sao nhưng vẫn đau đầu vì chưa thể xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, với những ụ đất ải đã được dồn thành nhiều đống trên cánh đồng, ông Nam cho hay sẽ tìm phương án xử lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiếp tục lấy trộm đất như thời gian qua.