Kế hoạch được phê duyệt theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm dự phòng trong công tác đảm bảo cung ứng điện. Dự kiến, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 là 109,183 tỉ kWh.
Bộ Công Thương giao các đơn vị liên quan, đặc biệt là EVN có trách nhiệm cập nhật, báo cáo kế hoạch đảm bảo điện (gồm cả việc chuẩn bị nhiên liệu cho nhiệt điện).
Có các kịch bản cung ứng điện cho miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, ứng phó với khó khăn, dự phòng đảm bảo ứng phó với các tình huống cực đoan, sự cố.
EVN tăng cường phối hợp với các bên liên quan để vận hành hồ chứa thủy điện, bám sát tình hình thủy văn để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả.
Các đơn vị chủ động bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định, không để xảy ra sự cố chủ quan, nâng cao độ tin cậy các nhà máy.
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và các Tổng công ty Điện lực phối hợp rà soát phương án vận hành lưới điện 500-220-110kV...
Tổng công ty Khí Việt Nam phối hợp với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện khí đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho sản xuất điện; khẩn trương hoàn thiện công tác nghiệm thu theo quy định hiện hành để đưa vào vận hành thương mại của nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2...
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm của EVN, ông Nguyễn Đức Thiện, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay mặc dù tăng trưởng phụ tải của miền Bắc tương đối thấp, đạt mức cao nhất là 15.819 MW, song tình trạng thiếu nguồn diễn ra nhiều đợt.
Tuy vậy, công suất phân bổ của A0 cho EVNNPC nhiều đợt xuống rất thấp (chỉ gần 10.000 MW) và kéo dài. Dẫn tới EVNNPC đã phải điều chỉnh, tiết giảm một lượng lớn phụ tải với công suất ước tính gần 3.952 MW (vào 14h30 ngày 4-6-2023) và sản lượng điện tiết giảm ước 608 triệu kWh.
Với kịch bản có xác suất sự cố cao và khả năng nước về kém như năm 2023, miền Bắc có thể thiếu từ 1200 - 2500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7.
Trong tháng 8, A0 tính toán nước về tốt hơn nên khả dụng nguồn cao hơn và phụ tải có xu hướng thấp nên khả năng thiếu công suất ít hơn. Trong các tháng cuối năm, dự kiến tăng trưởng điện thương phẩm của NPC cũng đạt ở mức cao và có nguy cơ thiếu nguồn từ 200 – 400 MW.
Vì vậy giải pháp được đưa ra như đẩy nhanh đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình lưới điện trước 30-4 và bổ sung nguồn 110kV tại khu vực mang tải cao, phụ tải lớn. Tập trung sửa chữa bảo dưỡng điều chỉnh phụ tải, triển khai tiết kiệm điện, dịch chuyển giờ sản xuất của các phụ tải lớn để hạn chế tối đa tình trạng tiết giảm phụ tải....
Sáng 2-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.