Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 13,5% so với năm 2022. Theo ông, mức tăng trưởng tín dụng này vẫn chưa đạt định hướng 14-15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu tín dụng thấp của cả năm 2023, đây là mức tăng trưởng khả quan.
"Điều này tương đương với việc ngành ngân hàng cung ứng thêm cho nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng năm vừa qua, là con số rất lớn", Phó thống đốc nói tại hội nghị.
Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố đến ngày 21/12/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 11,09%. Như vậy, chỉ trong khoảng 10 ngày cuối cùng của năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt 2,41%, tương đương gần 290.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng cho vay ra nền kinh tế.
Trong năm 2024, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15% và được giao toàn bộ ngay từ đầu năm.
Điều này tương đương sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng. "Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16% chứ không chỉ 15%", Phó thống đốc cho biết đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường.
Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, mục tiêu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.
Xem thêm: mth.23203610130104202-531-gnat-3202-man-gnud-nit/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad