Khi các tàu container chuyển hướng từ Biển Đỏ sang đi quanh Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi, hành trình sẽ dài thêm hàng ngàn cây số, chi phí vận chuyển tăng cao, làm tăng nguy cơ xảy ra cú sốc lạm phát mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Chuyện gì đang xảy ra ở Biển Đỏ?
Phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tăng cường tấn công vào các tàu thương mại ở eo biển Bab-el-Mandeb, nằm giữa bán đảo Ả Rập và vùng Sừng châu Phi kể từ cuối tháng 11-2023. Hoạt động của Houthi nhằm đáp trả việc Israel bắn phá Gaza.
Hãng tàu Maersk của Đan Mạch phải tạm dừng mọi hoạt động vận chuyển qua khu vực cho đến khi có thông báo mới.
Hãng Hapag-Lloyd của Đức cũng tuyên bố sẽ tránh đi qua khu vực này.
Tuyến đường thương mại quan trọng
Tuyến đường qua Biển Đỏ kết nối châu Á tới châu Âu, qua kênh đảo Suez và Địa Trung Hải, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế.
Kênh đào Suez xử lý khoảng 12% thương mại toàn cầu và các tàu đi từ châu Á tiếp cận kênh đào qua eo biển Bab-el-Mandeb rộng 30km.
Khoảng một nửa số hàng hóa vận chuyển qua kênh là hàng container. Tuyến đường này cũng rất quan trọng với các chuyến hàng dầu từ Vịnh Ba Tư đến châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo ngân hàng ING của Hà Lan, việc định tuyến lại các chuyến hàng quanh Mũi Hảo Vọng sẽ tăng thêm khoảng 3.000 - 3.500 hải lý (6.000km) và cộng thêm khoảng 10 ngày vào chuyến đi từ châu Á tới châu Âu.
Thời gian vận chuyển kéo dài sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thời gian xử lý hàng tại các cảng ở Anh và trung tâm lớn ở châu Âu như Rotterdam, Antwerp hay Hamburg.
Biển Đỏ tắc có thể làm tăng lạm phát
Việc chuyển hướng tàu dự kiến tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và châu Âu. Chi phí bảo hiểm cũng tăng lên, qua đó làm tăng chi phí tổng của chuyến hàng.
Các tàu chở dầu diesel và nhiên liệu máy bay từ Trung Đông và châu Á đang được chuyển hướng, trong khi các container hàng tiêu dùng, quần áo và thực phẩm cũng có khả năng bị trì hoãn.
Chi phí vận chuyển có thể tác động tới lạm phát. Trong đại dịch COVID-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm vào lạm phát.
Trong giai đoạn bình thường, chi phí vận chuyển hàng hóa chiếm khoảng 7% chi phí nhập khẩu đường dài. Con số này đã tăng cao tới 25% trong thời gian gián đoạn do COVID-19.
Ông Rhys Davies, cựu cố vấn thương mại của chính phủ Anh, hiện đang làm việc tại công ty tư vấn Flint Global, cho biết chi phí vận chuyển hàng hóa rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ở Biển Đỏ, nhưng tác động đến lạm phát vẫn còn hạn chế.
Bối cảnh đã khác
Không giống như khi kênh đào Suez bị tàu container Ever Given chặn ngang vào năm 2021 gây ra nhiều vấn đề cho thương mại thế giới, bối cảnh kinh tế dẫn đến sự gián đoạn hiện nay ở Biển Đỏ đã khác biệt rõ rệt.
Hai năm trước, chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp khó khăn dưới áp lực nhu cầu cao từ người tiêu dùng, vốn trước đó bị hạn chế chi tiêu trong đại dịch, trong khi sản lượng của nhà máy và vận tải hàng hóa toàn cầu không thể theo kịp.
Ngày nay, lạm phát đang hạ nhiệt khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Lãi suất cao khiết hộ gia đình và doanh nghiệp chịu áp lực, tăng trưởng kinh tế chậm lại, làm tăng nguy cơ suy thoái ở Mỹ, Anh và các quốc gia EU.
Mặc dù chi phí vận chuyển hàng hóa toàn cầu đã tăng mạnh trong những ngày gần đây do sự gián đoạn ở Biển Đỏ nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với hai năm trước. Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (SCFI), chỉ số được sử dụng rộng rãi nhất về giá cước vận tải đường biển đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trên toàn thế giới, đã giảm hơn một nửa.
Một nửa tàu bè đi qua tuyến Biển Đỏ đang chuyển hướng vì lo ngại bị tấn công trong cuộc chiến ở Gaza. Việc đi vòng qua châu Phi khiến việc đi từ Âu sang Á lâu hơn 25% và sẽ khiến giá cả tăng cao hơn.