Căn nhà chị Nguyễn Thị Huệ Tâm (44 tuổi) thuê có diện tích hơn 80 m2, có giường tầng, khu vực bếp, nhà vệ sinh riêng. Nơi đây hiện là nơi tá túc của hơn 10 gia đình bệnh nhi đang chữa trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2.
Tiếp năng lượng cho những "cuộc chiến" gian nan...
Hơn một năm trước, chị Trương Thị Mai (quê Phú Yên) rong ruổi đưa con đi điều trị ung thư ở TP.HCM. Dưới quê, vợ chồng đều làm nông, ai thuê gì làm đó, nên để xoay xở chữa trị cho con suốt thời gian qua, vợ chồng chị Mai phải chạy vạy khắp họ hàng. Đến TP.HCM, mỗi ngày chị thuê nhà trọ gần bệnh viện, cũng ở giường tầng, giá cũng đã 100.000 - 150.000 đồng/ngày, tùy có máy lạnh hay không.
Sau đó được mọi người giới thiệu có nhà trọ 0 đồng gần bệnh viện nên chị tìm đến ở để tiện chăm con. "Mỗi tháng tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng tiền chỗ ở, hai vợ chồng tôi bớt áp lực. Ở đây mẹ Tiên (tên thường gọi của chị Tâm - PV) và mọi người rất tốt, chia sẻ với nhau. Thiếu thốn gì bà cũng giúp đỡ, nhiều khi không có tiền mua đồ cho con, bà cũng cho", chị Mai chia sẻ.
Hầu hết các em đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 điều trị bệnh đều có gia đình, chủ yếu là mẹ, bà chăm sóc. Mỗi gia đình là một hoàn cảnh éo le, họ nương nhau, nhìn vào cảnh ngộ của mỗi người, cùng nhau chiến đấu giữ lấy sự sống cho con em qua từng ngày.
Chị Đỗ Thị Trang (ngụ Đắk Nông) đang chạy chữa bệnh cho con gái 2 tuổi bị ung thư gan. Chị không giấu được nỗi xúc động khi nhắc tới khoảng thời gian 1 năm qua chạy chữa cho con mình. Chị Trang đã quen chị Tâm trước đây vì nhận cơm miễn phí mà chị Tâm phát ở trước cổng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Sau này khi chị Tâm làm nhà lưu trú miễn phí, thì chị về ở.
"Mỗi lần vô thuốc, đánh toa điều trị xong thì bác sĩ sẽ cho con tôi về nhà 1 tuần. Vì bé bị não úng thủy nữa nên phải qua Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị thêm. Tiền bạc chạy vạy khắp nơi. Nên giờ có chỗ ở miễn phí, không chỉ tôi mà các gia đình khác cũng đều rất biết ơn chị Tâm, vì được chia sẻ nhau cảnh ngộ sau mỗi giờ căng thẳng lo toan. Tôi như được tiếp thêm hy vọng cùng con chiến đấu với bệnh tật", chị Trang nói.
Nối dài hy vọng cho những mầm xanh
Hỏi vì sao dựng nhà lưu trú thì chị Tâm nói trước đây chị tham gia một nhóm thiện nguyện chuyên nấu, phát cơm miễn phí. Sau này, thấy bệnh nhân và người thân chăm sóc lặn lội dưới quê lên, phải chật vật lo toan thêm chi phí thuê nhà, sinh hoạt nên bà mới cùng bạn bè góp vốn, thuê căn nhà trọ này, tiếp sức cho các gia đình. Với chi phí thuê 12 triệu đồng/tháng, chị Tâm nói "như giúp đỡ các bé một toa thuốc, mà có khi không bằng toa thuốc của các con".
Để đảm bảo vệ sinh, người nhà của các bệnh nhi cùng chung tay dọn dẹp. Gia đình khi đến đăng ký ở sẽ đưa giấy tờ tùy thân để bà đến phường thông báo lưu trú.
Ở đây mọi người sống hòa hợp với nhau vì cảm thông được hoàn cảnh của nhau. Hầu như tuần nào các gia đình cũng cùng nhau nấu khoảng 600 suất cơm miễn phí để đem phát ở cổng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 cho những người khó khăn.
"Tôi may mắn khi có công việc ổn định, kinh tế có chút dư dả, có bạn bè đồng hành nên tôi trích tiền để duy trì thuê căn nhà và mua gạo, gia vị để sẵn. Nhiều nhà hảo tâm biết, thỉnh thoảng cũng tiếp sức, ủng hộ thêm lương thực, thực phẩm cho các con và gia đình", chị Tâm nói.
Chị Tâm gọi nơi này là "nhà lưu trú mầm xanh", bởi chị luôn mong rằng những đứa trẻ vào đây sẽ sớm vượt qua bệnh tật, sẽ thành tài và biết rằng mình cần phải giúp đời, giúp người để cùng bước tiếp...
Hỏi chị Tâm có mong muốn gì không, chị nói: "Tôi hy vọng sẽ có thêm căn nhà cho người lao động không may mắc bệnh hiểm nghèo ở nữa. Tôi cũng muốn mình mua thêm một chiếc ô tô để chở các bé yếu đi khám bệnh, chuyển viện".