Dự án Sài Gòn Đại Ninh có tổng vốn đầu tư lên tới 25.243 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng lên tới 3.595ha. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần đầu tư - du lịch Sài Gòn Đại Ninh (viết tắt Công ty Sài Gòn Đại Ninh).
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bị Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ tại siêu dự án nêu trên.
Cơ cấu cổ đông Sài Gòn Đại Ninh ra sao?
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng. Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Hoàng Thanh Bách và ông Nguyễn Cao Trí.
Trong đó, ông Nguyễn Cao Trí - tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, đã bị bắt tạm giam từ hồi tháng 1-2023.
Về cơ cấu cổ đông, thông tin hiện tại thể hiện Sài Gòn Đại Ninh có 8 cá nhân góp vốn. Trong đó, người sở hữu cổ phần lớn nhất là bà Phan Thị Hoa với 88,5% vốn, tương ứng 1.770 tỉ đồng.
Tiếp đến là bà Đào Thúy Hằng và ông Phan Văn Đức, đều nắm 5% vốn, tương đương 100 tỉ đồng. Ông Hoàng Văn Thọ, Nguyễn Văn Lam, Trần Tấn Công, Trần Hồng Thắng, Nguyễn Đình Tùng chỉ nắm 1,5% số vốn còn lại.
Tra cứu lịch sử các lần đăng ký của doanh nghiệp cho thấy tại thời điểm thành lập, vốn điều lệ của Sài Gòn Đại Ninh chỉ 300 tỉ đồng.
Trong danh sách cổ đông sáng lập thời điểm đó, Công ty TNHH Thương mại Phương Nam đã góp 264 tỉ đồng, tương đương 88% vốn điều lệ.
Còn lại là các cá nhân khác như ông Hoàng Văn Thọ với 5%, bà Đào Thúy Hằng với 2%. Các ông Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Lam, Trần Tấn Công, Trần Hồng Thắng chỉ nắm giữ 1-2% cổ phần.
Người đại diện theo pháp luật ban đầu công ty là bà Phan Thị Hoa (sinh năm 1958), chủ tịch hội đồng quản trị. Trong lần đăng ký thay đổi diễn ra tháng 1-2021, người đại diện theo pháp luật công ty chuyển từ bà Hoa sang ông Nguyễn Cao Trí - tổng giám đốc.
Sài Gòn Đại Ninh liên quan gì bà Trương Mỹ Lan?
Mặc dù cập nhật trên dữ liệu về đăng ký kinh doanh bà Phan Thị Hoa vẫn nắm cổ phần chi phối tại Sài Gòn Đại Ninh, nhưng thực tế công ty này đã đổi chủ.
Thông tin về Sài Gòn Đại Ninh được đề cập tại kết luận điều tra của cơ quan công an trong vụ án tại Vạn Thịnh Phát.
Cụ thể, theo kết luận, thỏa thuận giữa ông Nguyễn Cao Trí và Phan Thị Hoa vào ngày 2-12-2020, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã ký hợp đồng bán 100% vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings Group (công ty con của Tập đoàn Capella) với giá 5.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Cao Trí sau đó dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (một công ty con của Tập đoàn Capella) đứng tên mua lại. Theo đó, Capella Hospitality đã bỏ ra 1.530 tỉ đồng để nhận lại 51% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Đến tháng 9-2022, ông Nguyễn Cao Trí tiếp tục nhờ em trai là Nguyễn Cao Đức đứng tên mua thêm 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Hoa với 700 tỉ đồng.
Như vậy, ông Trí đã sở hữu tổng cộng 58% vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh với số tiền trả bà Hoa 2.230 tỉ đồng. Nguồn tiền thanh toán là tiền nội bộ tại Capella và vay tại Sacombank.
Cũng bởi vậy, đến tháng 1-2021, Sài Gòn Đại Ninh đăng ký thay đổi lần thứ 8, người đại diện pháp luật chuyển từ bà Hoa sang ông Trí.
Đáng chú ý, sau khi mua cổ phần Sài Gòn Đại Ninh, ông Trí thỏa thuận bán 100% vốn điều lệ cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỉ đồng. Bà Lan sau đó đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng 463,5 tỉ đồng.
Ông Trí đã khai mới nhận tiền đặt cọc 1 triệu USD và 127 tỉ đồng. Sau đó, bà Lan không mua cổ phần Sài Gòn Đại Ninh mà thống nhất với ông Trí chuyển thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.
Một thông tin khác trong kết luận đưa ra, từ khi thành lập đến nay, Sài Gòn Đại Ninh chỉ được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với một dự án là dự án Sài Gòn Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Do dự án thực hiện dở dang nhiều năm, nên theo dữ liệu Tuổi Trẻ Online về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, trong nhiều năm chưa phát sinh doanh thu thuần. Nguồn thu ít ỏi có được là từ hoạt động tài chính.
Trước ông Trần Văn Hiệp, cùng tội nhận hối lộ liên quan dự án Sài Gòn Đại Ninh, Bộ Công an đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh - chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng) được sửa lại sau 1 năm kể từ khi ban hành và sau 3 tháng kể từ khi phúc tra.